Toàn bộ cuộc đời Đức Phật là dồn vào việc phá mê khai ngộ cho mọi người, vì đó là phương cách bền vững nhất để thoát khổ. Thế nhưng, nay không ít kẻ nhân danh là học trò của ông lại đẩy dân chúng vào bến mê bằng đủ những trò thao túng và lừa dối.
Hành vi ấy không những trái hẳn với mục đích của Phật giáo mà còn chồng thêm biết bao nhiêu khốn đốn lên lưng con người và xã hội.
Dù là một thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, quyền uy và sự giàu sang là tột đỉnh, nhưng ông đã bỏ hết lại phía sau để truy tầm chân lý; nay “học trò” ông lại dùng chính danh lợi để mê hoặc chúng dân, kêu gọi mọi người đến chùa cúng dường cầu phước, thật đúng là “oan gia trái chủ”.
Phật tức là hiểu ra rằng ai cũng già, cũng bệnh, cũng chết, đó là quy luật của đời sống, không ai có thể chống lại được, điều duy nhất chúng ta có thể làm là hiểu rõ nó để luôn đối diện bằng tâm thế bình an tĩnh tại. Phật không dạy con người cách để trở nên không bệnh không chết, vì chính ông cũng phải đón nhận nó như một lẽ tự nhiên, điều khác biệt duy nhất là không sợ hãi. Sống biết yêu thương và hiểu biết thì trở nên vững vàng.
Con người, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn thì cũng có muôn vàn nỗi khổ, người ta chỉ có thể thoát ra khỏi nó bằng một sự khai sáng về bản chất của đời sống.
Phật không dạy con người theo đuổi vật chất hay danh tiếng để đạt đến hạnh phúc, mà dạy họ cách tự cải đổi hoàn cảnh và đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời với trí tuệ sáng suốt.
Phật giáo không bi quan, không sống để chờ chết đợi lên Niết bàn, Phật giáo là một tinh thần tích cực mong giúp mọi người hiểu ra rằng phải tự đặt trách nhiệm lên vai chính mình trong suy nghĩ, lời nói, việc làm để được hạnh phúc ngay trong đời này. Không thần phật nào làm thay được.
Mọi việc không thể cầu mà được. Muốn có gạo thì phải trồng lúa, muốn có tiền thì phải chăm chỉ lao động, muốn khỏe mạnh thì phải sinh hoạt cho khoa học. Đó là nhân quả. Còn bất luận thế nào, bệnh sẽ đến, cái chết sẽ đến, sự chia lìa sẽ đến, mọi sự thịnh suy hưng vong trong cuộc đời là quy luật, bãi bể nương dâu. Đến núi sông, tinh tú còn biến đổi, huống gì đời người.
Bình an không thể cầu mà được. Sống rộng lượng, bao dung và hiểu biết thì bình an. Đi lạy Phật về mà xét nét với chồng con, so đo với xóm giềng, suốt ngày toan tính cầu an thì an làm sao được.
Cuộc đời con người tốt đẹp hay không là nằm trong chính hành động của người đó. Biết sống lương thiện, biết chăm chỉ làm ăn, biết chăm sóc bản thân và gia đình, biết ủng hộ cái đúng, biết chống lại cái cái ác, biết hướng đến những điều cao cả, vượt lên những tẹp nhẹp lếch thếch vô nghĩa để nuôi dưỡng một tinh thần khoáng đạt...
Chùa chiền không phải chốn để xét lòng trung thành với Phật. Đó ngôi trường để học những điều tử tế. Mà cái tử tế đầu tiên là trung thực.
Trường học mà đã dạy sai hẳn nội dung và vận hành bằng sự dối trá rồi, thì còn bước chân đến đó để làm gì nữa?
Nhà giáo Thái Hạo