Học sinh hỗn láo khiến thầy cô sợ hãi, thu mình lại, giáo dục sẽ đi đâu?

Nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực trước phụ huynh, dư luận, không muốn bản thân trở thành tâm bão, nhiều thầy cô thu mình lại, mặc cho học sinh mắng chửi.

"Sốc, bàng hoàng, đau xót là tâm trạng của tôi khi xem đoạn clip về nhóm học sinh trường THCS Văn Phú ở Tuyên Quang. Hình ảnh nữ giáo bất lực đứng trong góc, mặc sức cho học sinh hư chế giễu, buông lời xúc phạm khiến tôi ám ảnh không thôi", cô Chu Minh Thùy (giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa) nói.

Từ khi nào nhà giáo lại yếu thế đến vậy?

Cô Thuỳ càng buồn hơn khi một số người đưa ra lý do "cô giáo phải tệ hại thế nào thì học sinh mới hành xử như thế" hay "làm giáo viên mà đứng im bất lực trước sự hỗn láo của học sinh chứng tỏ năng lực kém". Từng lời bình luận, chê bai bên dưới video hay trên các diễn đàn như vết dao cứa vào niềm tin yêu nghề, lòng yêu mến học trò của cô Thùy.

"Tôi và nhiều đồng nghiệp lại tự đặt câu hỏi, nếu một ngày bản thân cũng ở tình huống đó thì sao", cô trầm ngâm.

Nữ giáo viên này thừa nhận cũng không biết sẽ phản kháng thế nào cho đúng chuẩn mực nếu bị học sinh "đàn áp". Lúc đó bực tức, cáu, quát mắng thì học sinh sẽ quay video lại, cắt xén đăng lên mạng xã hội lập tức lại trở thành tội đồ. Còn nếu đứng yên thì chấp nhận nghe lũ nhỏ đáng tuổi con mình mặc sức giễu cợt, xúc phạm.

1 Hoc Sinh Hon Lao Khien Thay Co So Hai Thu Minh Lai Giao Duc Se Di Dau

Nhóm học sinh ở Tuyên Quang có hành vi hỗn láo với cô giáo. (Ảnh cắt từ clip).

"Nhiều người bạn từng ca thán 'từ khi nào mà nghề giáo lại yếu thế đến vậy?', câu trả lời yếu thế vì áp lực trước học sinh, phụ huynh, dư luận, không muốn bản thân trở thành tâm bão, thành ra sợ tất cả. Nhiều giáo viên coi đó là cách an toàn để vượt qua ải, chờ ngày về hưu", cô nói.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi suy đồi đạo đức của nhóm học sinh ở Tuyên Quang do giáo viên đang bị tước đi quyền được phê bình, giáo dục học sinh hư. Xã hội đang đánh đồng sự giáo dục nghiêm khắc với bạo hành.

Một khái niệm nữa cũng đang bị lầm hiểu là bảo vệ quyền trẻ em và nuông chiều thái quá. Phụ huynh vin vào việc bảo vệ con, rồi tự cho mình quyền được chỉ trích thầy cô giáo. Gia đình như vậy thì sao giáo dục được đứa con ngoan, biết lễ phép, hiếu đạo, kính trọng.

Một cái roi nẹt vào đít, cái xách tai hay vài lời khiển trách, không phải vì thầy cô thù hằn gì các em mà chỉ vì muốn học sinh tốt lên. Xã hội đề cao giáo dục không đòn roi từ gia đình đến nhà trường, nên giáo viên không biết giáo dục kiểu gì với học sinh hư.

"Nói thật con nhà tôi toàn phải dùng “biện pháp mạnh” thế mà còn chẳng ăn thua, huống chi mấy em học sinh không còn biết sợ là gì như trong các đoạn video lan truyền", cô Thùy nói thêm.

Cô Lương Mỹ Trân, giáo viên cấp 2 tại Hà Nội phân tích, rõ ràng các tình huống trong câu chuyện ở trường THCS Văn Phú đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điện thoại có trong tay nhưng cô giáo này cũng không thể gọi cho ai trong ban giám hiệu nhà trường, cho Chủ tịch Công đoàn hoặc đồng nghiệp trong trường để được hỗ trợ.

Giây phút đó hẳn vị giáo viên cũng rất cuống và chán chường. Họ không biết gọi cầu cứu đến ai mà chỉ lặng lẽ đứng trong góc, mặc sức cho đám học sinh hung hăng mắng chửi để được "bình yên".

"Dù sự việc bắt đầu từ nguyên nhân nào, hành động của học sinh như vậy cũng không thể chấp nhận", cô Trân nói và buồn bã khi "đi làm đến quyền phê bình học sinh cũng bị tước mất". 

Nữ giáo viên này chưa đủ thông tuệ để biết hết các từ ngữ phi giáo dục ra sao nhưng bao nhiêu thế hệ học trò cũ của cô từng “bị” như vậy mà chúng vẫn lớn lên, thành công và nhớ đến cô bằng những câu chúc trong những dịp lễ tết.

Hậu quả của nuông chiều, bao bọc đến mù quáng

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc học sinh vô lễ với thầy cô không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng chưa từng thấy học sinh có hành vi tác động lên cơ thể giáo viên xuất hiện liên tục như bây giờ.

Cùng với rất nhiều áp lực giáo viên đang gánh trên lưng hiện nay, nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề. Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.

2 Hoc Sinh Hon Lao Khien Thay Co So Hai Thu Minh Lai Giao Duc Se Di Dau

Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném dép vào đầu ngất xíu. (Ảnh cắt từ clip)

Chuyên gia này cũng thừa nhận, giáo dục đang quá "nóng" trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò.

Vị phó hiệu trưởng cũng chỉ ra trong số nhiều nguyên nhân dẫn những hành vi vô đạo đức cũng có trách nhiệm trong sự việc thiếu chuẩn mực của con em mình.

Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc, bỏ bê con cái cho nhà trường giáo dục, khi con mắc lỗi thay vì phân tích, chỉ dạy lại quát mắng gây áp lực thêm cho trẻ dẫn tới các em càng sinh ra bất mãn. Ông Nam cho rằng quá trình giáo dục học sinh không chỉ của giáo viên, mà cần sự phối hợp của nhà trường và bố mẹ.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng suy đồi đạo đức, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, trước hết giáo viên phải nắm rõ tâm lý của học sinh theo từng lứa tuổi. Trong một số trường hợp chúng ta không cần quá cứng rắn, sự mềm mỏng có khi lại đạt hiệu quả giáo dục cao.

Cần tăng cường tích hợp vào các môn học những bài giảng, kỹ năng để giảng dạy cho học sinh để các em có một góc nhìn về giá trị sống, được tưới tẩm các giá trị đạo đức thay vì chú trọng điểm số mà quên đi phải “thành nhân trước khi thành danh”.

Và trên mạng xã hội, cơ chế quản lý thông tin, những câu chuyện bạo lực, tiêu cực phải được quản lý chặt chẽ để các em học sinh không tự bơi trong biển thông tin hỗn độn để rồi dễ dàng bị tiêm nhiễm những trào lưu, văn hóa xấu độc từ nước ngoài trong khi khả năng chắt lọc thông tin thì không có.

Bên cạnh đó công tác tham vấn, tư vấn học đường cho học sinh, xây dựng chuyên đề, chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh, các tổ chức đoàn, đội tổ chức các hoạt động lan tỏa sự tích cực cũng rất cần thiết giúp giải quyết vấn đề này.

Đình Trung - Nguyễn Ngoan

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN

Bài liên quan