Tôi lớn lên ở Hà Nội với những ký ức về một thời chắp vá, tạm bợ mà đầy nỗ lực của bố mẹ. Con gái gọi nơi xa là quê, bố mẹ gọi nơi ấy là nhà. Con gái gọi Hà Nội là nhà, bố mẹ gọi đây là nơi khó tồn tại.
Bố mẹ tôi không sinh ra ở Hà Nội. Thử hỏi có mấy ai gánh hai chữ tỉnh lẻ trên vai, đứng trên đất Hà Nội mà chưa một lần thấy vất vả, nhọc nhằn? Có mấy ai say đắm Hà Nội mà chưa từng thấu tận xương sự khắc nghiệt để có thể tồn tại ở mảnh đất phồn hoa đô hội này?
Còn tôi, được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội khi đất nước đang có nhiều đổi mới, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục.
Tôi chưa có sự chiêm nghiệm sâu sắc, chưa có sự trải đời của những người lớn đã đi quá nửa chặng đường nhân sinh. Ký ức về Hà Nội của cô gái 17 tuổi trong tôi hiện lên đơn giản là hình ảnh gần gũi trong hành trình đi học, được bố mẹ chở che, yêu thương.
Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Dân Việt.
Ký ức về Hà Nội trong tôi, trước hết là những mảng màu vẽ lên tường trong căn nhà đi thuê. Hết nhà này đến nhà khác, nơi này đến nơi khác. Ở đó, có cô bé từng khóc ầm lên ăn vạ khi sáng rời một căn nhà để đi học, chiều được đón về lại ở một căn nhà khác. Bởi bố mẹ phải đổi chỗ thuê nhà vì "lý do bất khả kháng".
Sự thay đổi đột ngột ấy khiến cô bé 5 tuổi hụt hẫng, chỉ biết rằng đang phải rời xa nơi vốn thân thuộc với bản thân để đến một căn phòng lạ lẫm chỉ vỏn vẹn 20 mét vuông và tiếp tục cuộc sống ở đó.
Với tôi, ký ức về Hà Nội là những sáng ngồi sau xe máy bố đưa đến trường. Sáng trời thu Hà Nội đẹp ra sao, từng làn gió mơn man trên da thịt non nớt của mình thế nào đi chăng nữa, cô bé 5 tuổi khi ấy vẫn chỉ luôn miệng mặc cả "chiều bố đón con sớm nhá".
Thế rồi, chiều tà, bố đi công tác xa, mẹ đón muộn, cô bé cứ sang hết lớp trả muộn này đến lớp trả muộn khác đợi mẹ đón về.
Từng người bạn được bố mẹ đón ra sân chơi, được ông bà dẫn về trước, cô bé kiên nhẫn vẫy tay chào tạm biệt các bạn và tiếp tục đợi chờ cho đến lúc trời sập tối.
Ký ức về Hà Nội trong tôi còn là những ngày ở lại trường đến 7 giờ tối học đội tuyển.
Lúc ấy, tôi mới thấy mái trường cho mình một không gian bình lặng đến lạ, chỉ còn ánh đèn từ căn phòng ôn thi của chúng tôi là vẫn sáng. 8 cô gái chúng tôi động viên và ganh đua với nhau qua từng nét bút giữa cái nồm ẩm của tháng 2.
Tác giả bài viết chụp ảnh lúc 9 tuổi. Ảnh nhân vật cung cấp.
Cứ thế, cuộc sống xô bồ, ồn ào, náo nhiệt ở Hà Nội cho tôi thấy, sống được ở đây càng khó hơn đối với những người được coi là "dân tỉnh lẻ" như bố mẹ tôi.
Xem lại những bộ phim cách đây 20 năm, cái thời mà bố mẹ tôi từ làng ra phố, tôi biết được có khi người ta chỉ thua kém nhau một cái sổ hộ khẩu, cũng chính cái sổ hộ khẩu ấy đã đè bẹp ước mơ, hoài bão của biết bao con người. Nhưng nhiều người bám trụ lại nơi phồn hoa này, đơn giản chỉ vì Hà Nội đẹp kỳ lạ mà sâu sắc, là nơi nuôi sống bao người.
Nếu thoảng qua, ai cũng bảo ở Hà Nội sướng. Ừ thì, cũng sướng thật! Sướng là khi có tiền, sướng lúc ăn chơi. Chứ còn lúc mặc áo mưa thưởng đặc sản ngập và tắc đường, hay hàng trăm việc phiền não khác thì khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Những ký ức về Hà Nội tôi viết là đời, là thực, để ai đang vật vã từng ngày ở đây biết được rằng vẫn có người cũng đang nỗ lực giống họ.
Với tôi, Hà Nội vẫn được gọi là "nhà" vì là nơi lưu giữ những mảnh ký ức đặc biệt theo tôi đến hết đời!
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: [email protected] hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT