Một tuần về quê chồng ăn Tết với bạn tôi là chuỗi ngày sợ hãi cực độ. Điệp khúc nấu - ăn - dọn khiến cô quay cuồng trong bếp.
Tết là dịp gia đình sum vầy, mọi người được nghỉ ngơi thư giãn sau một năm làm việc. Nhưng nhiều chị em đã có gia đình lại sợ Tết vì phải về quê chồng nấu cơm, rửa bát quần quật và đi chúc Tết họ hàng suốt cả kỳ nghỉ lễ. Ấm ức, không vui, thậm chí cãi vã, chiến tranh lạnh, nhiều gia đình còn mất cả cái Tết vui vẻ cũng chỉ vì... chuyện phải về quê chồng ăn Tết.
Tôi có mấy cô bạn thân đều lấy chồng ở xa nên Tết nào cũng phải về quê chồng đón Tết. Cứ đến dịp này tôi thường xuyên nghe các bạn kể khổ khi ở quê chồng. Cô bạn thân của tôi lấy chồng ở Hà Tĩnh. Chồng cô là con trai trưởng, trưởng họ, đất lề quê thói nên còn giữ rất nhiều phong tục truyền thống. Là con dâu cả, lại bận công việc cơ quan nên năm nào sát Tết cô cũng cuống cuồng đi sắm sửa đủ đồ lễ Tết để mang về quê chồng.
Cô phải mua sắm từ thịt, cá, giò, chả, bánh chưng, nem, măng, miến, mộc nhĩ, bánh, kẹo, mứt, rượu, nước ngọt, sữa chua... đến chăn gối cho gia đình cô về ngủ. Vì ở nhà chồng cái gì cũng không có, tủ lạnh chẳng bao giờ có đồ ăn, chăn cũng không đủ ấm, cả nhà cô đắp chung một cái chăn mỏng ở nhà làm cô không có đêm nào ngủ ngon giấc.
Nhà chồng là con trưởng, nên mọi việc cúng lễ gia tiên của dòng họ, vợ chồng cô phải lo hết. Năm nào cũng thế, ngày 27 Tết là cả nhà về Hà Tĩnh. Suốt mấy ngày sau đó, cô sấp ngửa ba lần vào bếp nấu cơm cúng các buổi sáng, trưa, chiều. Từ ngày 30 Tết, cô quay cuồng trong căn bếp. Trưa làm cơm thắp hương mời ông bà về ăn Tết, tối làm cơm cúng giao thừa trong nhà rồi ngoài sân. Chợp mắt một lúc, 5h30 cô lại phải dậy để chuẩn bị cơm cúng ngày Mùng Một. Nhiều lúc ăn xong, mọi người đi nghỉ trưa, chỉ có mỗi mình cô đứng rửa bát dưới bếp, mắt cứ cay xè vì đêm thức khuya.
Nhiều lúc cô ấm ức "sao bắt nấu nhiều món thế?", nhưng không thể cãi lời mẹ chồng. Nhưng như thế chưa phải là hết, ở quê chồng, các nhà anh em sẽ đi chúc Tết nhau, và đến nhà ai cũng sẽ mời ở lại ăn cơm. Vậy là cứ mở mắt dậy là cô bắt đầu với đống công việc, từ quét dọn, soạn mâm cỗ cho cả nhà, rồi lại rửa bát. Ăn sáng xong lại đến cỗ bàn bữa trưa rồi bữa tối. Cứ vậy, cô cảm tưởng, Tết ở nhà chồng chỉ có mỗi việc nấu cỗ cúng, ăn uống, rửa bát là hết ngày. Cả nhà và khách khứa đến ăn bữa nào cô cũng phải rửa ba, bốn mâm.
Ác mộng đến thật sự khi ngày Mùng Bốn Tết, nhà chồng cô ăn hóa vàng. Tất cả anh chị em đều đến nhà chồng cô ăn cơm. Trong nhà, ngoài sân, đến chục mâm cỗ. Ai nấy đều vui vẻ ngồi đánh chén, chỉ có cô mệt muốn xỉu, không có tâm trạng để ăn. Cô vốn dĩ bị mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, ngày nào cũng phải châm cứu, bấm huyệt mới đi lại bình thường được.
Bệnh của cô phải kiêng đi lại nhiều, kiêng ngồi nhiều. Bình thường ở Hà Nội cô còn kiêng được, nhưng mỗi khi về nhà chồng thì không thể, cũng không thể bảo "con có bệnh nên không làm gì". Vậy là cô vẫn phải nhịn đau để làm. Nếu không rửa bát, nàng dâu rất dễ bị đánh giá là không chăm chỉ. Ở quê thường phải ngồi xổm rửa bát - một tư thế rất khó chịu - nên mỗi lần hoàn thành xong nhiệm vụ này, cô không đứng dậy nổi.
>> Tôi chỉ mất đúng hai tiếng đi chợ sắm Tết
Ở nhà đẻ, bố cô toàn tranh rửa bát cho vợ con nghỉ ngơi. Nhưng về nhà chồng, đàn ông không bao giờ vào bếp. Mọi việc đều do mẹ chồng và con dâu làm hết, nên tất cả phụ nữ trong nhà đều rất vất vả. Ngày nào cô cũng phải dọn dẹp đến 23h đêm mới được đi tắm giặt, nửa đêm mới được lên giường đi ngủ. Mẹ chồng cô cũng phải lăn ra làm mọi việc trong khi bố chồng và các con trai không phải động tay vào việc gì, lúc nào cũng ung dung hưởng thụ. Tối tăm mặt mũi với cái bếp nhưng chẳng người phụ nữ nào dám kêu.
Tết với cô vì thế không còn là những ngày đoàn viên hạnh phúc ở quê chồng, mà nó trở thành một cực hình, tra tấn với nỗi ám ảnh bếp núc, bát đũa, chợ búa và sự dòm ngó, xét nét của mẹ chồng và cả em chồng. Làm dâu bao năm nhưng cô vẫn không thể quen nổi văn hóa ăn Tết nhà chồng, với cảnh phụ nữ không có một phút nào thảnh thơi.
Một tuần về quê ăn Tết mà chỉ biết đến cái xó bếp, cô đầu tóc bù xù như ôsin. Mang mấy bộ váy mới về mà cô còn chẳng có cơ hội để mặc. Không những thế ngày nào cũng tiếp bao nhiêu khách - những người cô chẳng quen biết gì - và luôn phải cười thật tươi, đon đả chào hỏi, nếu không sẽ bị nói là lạnh nhạt, khinh khỉnh. Và sau mỗi dịp Tết, bệnh của cô lại càng nặng hơn và phải tốn tiền điều trị bệnh nhiều hơn mới đỡ. Vì thế mà ngày nào, cô cũng nhẩm đếm lùi để mong cho nhanh hết Tết và lên Hà Nội.
Quê vợ chồng cô thì xa, mỗi lần về tốn rất nhiều tiền tàu xe đi lại. Rồi mỗi dịp về lại quà cáp các kiểu, mừng tuổi mọi người trong gia đình, họ hàng. Người nhà quê thấy người thành phố về thì cứ ngỡ là giàu lắm, nhưng nào biết được vợ chồng cô cũng phải tiết kiệm từng đồng. Chồng cô lại là con trưởng, mỗi dịp Tết là dịp phải sắm Tết cho ông bà không những có cái Tết đầy đủ mà còn phải đẹp mặt họ hàng anh em nhìn vào. Cô cảm thấy quá mệt. Tết về quê ngoại đơn giản bao nhiêu thì về quê chồng phức tạp bấy nhiêu.
Thực tế, ở thời đại 4.0, những cảnh như chuyện nhà bạn tôi vẫn diễn ra không ít. Vẫn có nhiều người phụ nữ "sợ" phải về nhà chồng ăn Tết vì đó không phải là những ngày nghỉ ngơi sau cả năm trời vất vả, mà lại là thời gian "hành xác" với đủ thứ việc nhà cửa, việc lễ, Tết phải chu toàn. Bên cạnh đó, không ít mẹ chồng nặng tư tưởng cũ hay đòi hỏi con dâu phải ở nhà chồng suốt cả dịp Tết, đã gây áp lực lớn cho các nàng dâu trẻ.
Có thể thấy, Tết Nguyên đán có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ bất bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ, giữa vợ và chồng. Vì thế lúc này, người đàn ông ở giữa có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu biết suy nghĩ, biết thương cả mẹ và vợ, người đàn ông phải chủ động đề nghị san sẻ việc nhà, thay đổi tư duy xưa cũ của cha mẹ mình. Tết là một kỳ nghỉ dài, hãy để những người phụ nữ được nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, tất cả chị em phụ nữ sẽ có một cái Tết thực sự là dịp để nghỉ ngơi, quây quần bên những người thân sau một năm làm việc vất vả, chứ không phải khổ sở đi rửa cả "núi" bát hay chạy "bở hơi tai" để đi chúc Tết quá nhiều nơi. Tôi hy vọng những chị em phụ nữ sẽ không còn phải trải qua nỗi sợ về quê chồng ăn Tết.
Tết sẽ trở nên vui biết bao nếu như vợ chồng, con cái cùng xắn tay vào làm việc nhà, cùng chở nhau đi mua sắm Tết, trang trí nhà cửa, nấu những món ăn ngon cho Tết, cùng chuẩn bị những món quà cho nội ngoại đôi bên. Một khi đã cùng nhau làm mọi việc, thì dẫu cho có vất vả, Tết vẫn đầy ắp niềm vui. Nơi nào có sự yêu thương và chia sẻ, nơi đó mới thật sự có Tết.
Vũ Thị Minh Huyền