Là con trưởng, cháu đích tôn, tôi được ông bà để lại một căn nhà cổ, bố mẹ cho 500 m2 đất, nhưng 16 năm qua không ngó ngàng tới.
Hai vợ chồng tôi lấy nhau khi cả hai cùng tay trắng. Vợ tôi là con út, phía trên có hai anh, hai chị, đều yên bề gia thất và được bố mẹ cho đất, làm nhà, của hồi môn. 5 năm sau tôi mới biết, bố mẹ vợ không cho gì vợ tôi vì lý do là cô ấy đã bất chấp sự phản đối của gia đình để lấy tôi - con nhà nghèo. Mấy lần về quê, bố vợ cứ tìm cách lảng tránh tôi. Đến bữa cơm, ông cũng không về nhà, mẹ vợ phải nói đỡ rằng ông đi đánh bài.
Năm tháng trôi qua, chúng tôi nỗ lực làm ăn, tích được tiền để tự đi mua đất, xây nhà. Hay tin, bố vợ tôi lúc đó đã 70 tuổi, một mình đạp xe hơn 100 km ra tận nơi để xem thực hư thế nào? Ông ở lại nhà chúng tôi một tuần, tự nấu ăn trưa, dọn dẹp nhà cho con để xem chúng tôi sống ra sao (vì chúng tôi không về trưa)?
Hai năm sau, chúng tôi bán căn nhà đó, mua nhà mới ở nơi khác, rộng hơn, đường phố đẹp nhất vùng, xây căn nhà hơn 400 m2, tầng trệt và tầng một để buôn bán. Hay tin, chúng tôi bán nhà cũ, bố vợ tôi hốt hoảng, bắt ông anh thứ hai đưa lên tận nơi để xem tình hình của vợ chồng tôi. Thấy ngôi nhà chúng tôi xây nên khang trang, khách hàng đông đúc, ông mới thở phào, bảo với vợ tôi: "Tao tưởng chúng mày vỡ nợ".
Vài năm sau, chúng tôi lại bán căn nhà đó để dọn vào trung tâm Sài Gòn. Đến lúc này, bố vợ thực sự bị sốc. Ông lập tức đưa tiền cho anh hai của vợ tôi để mua vé máy bay, lên tận Sài Gòn kiểm tra. Anh hai vừa quay video, vừa miêu tả cho bố về căn nhà của vợ chồng tôi. Tôi nghe ông nói: "Tao tin rồi, giờ chết cũng yên lòng".
>> Ảo tưởng 'con giỏi giang nên không cần tài sản thừa kế'
Thực ra, tôi là con trưởng trong gia đình, cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Ông bà nội để lại cho tôi căn nhà cổ, bố mẹ tôi để lại cho vợ chồng tôi hơn 500 m2 đất ở phía Bắc thành phố, đã sang tên (sổ hồng). Nhưng, 16 năm nay, vợ chồng tôi hoàn toàn không hề ngó ngàng tới số tài sản đó mà quyết tâm tự lực cánh sinh. Giờ đây, các con của tôi cũng đều tự mua nhà ở Sài Gòn, ngay quận trung tâm. Giống như chúng tôi ngày trước, các con hoàn toàn không dựa dẫm vào tài sản của cha mẹ.
Ngay từ đầu, tôi đã có suy nghĩ rằng tại sao cái đầu mình lại ở trên hai vai? Tôi cũng có hai bàn tay như mọi người, tại sao lại không thể tự kiếm cơm trong thiên hạ mà cứ phải sống bám vào gấu quần bố mẹ? Năm 14 tuổi, học lớp 8 (hệ 10/10), tôi mang bơm và vài dụng cụ sửa xe đạp ra lề đường, lê la kiếm những đồng tiền đầu tiên, góp cho mẹ mua gạo nuôi bốn đứa em.
Khách sửa xe thương, bày cho tôi cách nhảy tàu hỏa đi buôn chè khô (trà, chè búp), vải lụa từ Nam Định vào Nam; hay vải hoa, vải caro từ chợ Soái Kình Lâm ra Bắc; rồi trái cau, lá trầu Nha Trang, trái trứng gà (lê ki ma) ra Hà Nội... Cứ thế, tôi từng bước tự kiếm tiền, đứng trên đôi chân của mình, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn chăm lo cho các em ăn học.
Tôi luôn nói với các con của mình rằng "bố mẹ có 9 đồng, các con gắng nuôi thân, làm thêm 1 đồng, vậy là nhà mình có 10 đồng. Còn nếu các con ở với bố mẹ, cứ trông chờ vào bố mẹ, thì miệng ăn núi lở, cuối cùng sẽ cạn cả 9 đồng. Đến đời cháu là củ mài ăn xuống...". Nhờ đó mà các con tôi bây giờ đều tự lập và trưởng thành, không dựa dẫm vào bố mẹ. Với tôi, đó là thành công lớn nhất của cuộc đời mình.
Thiết Hưng