Theo xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Canada có tỷ lệ học vấn cao nhất thế giới, với 56,27% dân số ở độ tuổi 25 đến 64 tốt nghiệp giáo dục bậc cao.
Bảng xếp hạng của OECD dựa trên tiêu chí đánh giá tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 25 đến 64 (gọi tắt là người trưởng thành) tốt nghiệp chương trình giáo dục bậc cao như hệ văn bằng hai năm, 4 năm hoặc học nghề. Canada đứng đầu bảng xếp hạng này với 56,27% dân số tốt nghiệp giáo dục bậc cao. “Chúng ta cần giáo dục để cho phép con người học tập, suy nghĩ và thích nghi”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói.
Nhật Bản đứng thứ hai với hơn một nửa dân số trong độ tuổi 25 đến 64 (50,5%) tốt nghiệp giáo dục chuyên nghiệp.
Israel cũng có nền giáo dục phát triển với 49,9% dân số có học vấn cao. Nguồn lực kinh tế chủ yếu tập trung ở xuất khẩu kim cương, thiết bị công nghệ cao và dược phẩm.
Hàn Quốc có nhu cầu lớn về giáo dục đại học. Chính phủ cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực này với tổng chi năm 2015 đạt 43,1 tỷ USD. Nhờ đó, 46,86% người trưởng thành trải qua giáo dục chuyên nghiệp.
Vương quốc Anh có nền giáo dục đại học nổi tiếng với những tên tuổi hàng đầu thế giới như ĐH Oxford, Cambridge. 45,96% dân số trưởng thành nước này hoàn thành giáo dục chuyên nghiệp.
Theo điều tra dân số Mỹ, 33% người dân nước này có bằng cử nhân trở lên. Theo đánh giá của OECD, 45,67% người Mỹ trưởng thành có bằng cấp.
Australia đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng với 43,74% dân số được coi là người có học thức. Ngoài ra, nước này cũng có tuổi thọ tương đối cao và thường đạt điểm cao trong các đợt điều tra mức sống toàn cầu.
Phần Lan có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Người dân nước này cũng có học vấn cao với 43,6% người từ 25 đến 64 tuổi trải qua giáo dục chuyên nghiệp.
Hầu hết người dân Na Uy sống ở miền Nam, xung quanh thủ đô Oslo. Với khoảng 5 triệu người sống ở đây, 43,02% người thuộc tầng lớp có học thức.
Luxembourg là một trong những nước nhỏ, giàu nhất thế giới. Về mặt giáo dục, theo tiêu chuẩn của OECD, 42,86% dân số nước này có học thức.
Nguyễn Sương
Ảnh: USFunds.