Đi du học có lẽ là thay đổi lớn nhất trong đời mình. Sau thời gian dài “nằm vùng” các group của hội du học sinh Việt tại Anh và thực tế trải nghiệm của bản thân, có mấy điều mình thấy các lính mới nhất định phải biết.
Bài viết dưới đây sẽ KHÔNG hướng dẫn bạn những điều to tát như cách xin học bổng, học hành hiệu quả. Chỉ đơn giản là cách giải quyết những điều nhỏ nhặt nhưng thiết thực như thất lạc hành lý, thức ăn khó chịu, bị bắt về đồn khi làm thêm,…
1. Tránh xa các rắc rối khi nhập cảnh tại Anh Quốc
Từ ngày chuẩn bị hồ sơ du học đến khi lên được máy bay bạn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng ít ra khi đó bạn còn ở trong nước và được “người mình” giúp đỡ. Cuộc đời bạn khi vừa đặt chân xuống phi trường UK là đã khác hẳn rồi đấy. Mình đã có vài kỷ niệm hết hồn ở sân bay…
Đợt mới xuống sân bay Heathrow mình suýt thì đi lạc cửa nếu không được bạn kéo lại. Nguyên do là sân bay tại đây có chút khác biệt so với Việt Nam là có hai cửa nhập cảnh, một cửa dành cho người có hộ chiếu UK và châu Âu, còn một cửa dành cho người nước ngoài.
Gợi ý cho các bạn: có biển hiệu ngay trên đầu ý, còn không thấy thì đi hỏi thôi. Qua cửa hải quan đưa giấy tờ passport cho người ta rồi cười hoa hậu là được…
Thảm hơn là bị thất lạc hành lý ở sân bay. Lần đầu mình nghĩ cái vali rực rỡ thế thì không sợ lạc. Nhưng khi có hàng trăm chiếc như thế nữa thì bạn sẽ thấy tầm quan trọng của việc ghi thông tin cá nhân như tên tuổi, email, postcode địa chỉ ở Anh lên hành lý. Nếu vẫn không tìm thấy thì giải quyết cũng nhanh thôi. Chỉ cần liên lạc nhân viên sân bay ngay, bạn sẽ được hướng dẫn điền tờ khai mô tả màu sắc hành lý, địa chỉ và thông tin liên lạc. Khai xong giấy tờ thì bạn sẽ nhận được một số đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn mặt, kem đánh răng, dao cạo râu và nhẹ nhàng đi về. Hành lý tìm được sau 1-2 ngày sẽ được chuyển đến tận nhà. Đề phòng trường hợp này thì nên chuẩn bị trước 1-2 bộ quần áo thoải mái xếp trong hành lý xách tay cùng giấy tờ tùy thân.
Tips nhỏ cho vài bạn “may mắn” lấy được hành lý luôn là chuẩn bị sẵn vài coin 1 đồng từ nhà để đến sân bay còn sử dụng xe đẩy hành lý. Cửa hàng chuyển tiền tại Việt Nam khá hiếm những đồng lẻ này, ở sân bay cũng có máy đổi tiền nhưng nó chỉ chấp nhận đồng 5£ mà lại còn thường xuyên hết tiền nên tốt nhất là xin xỏ bạn bè họ hàng từ nhà đi.
2. “Nước Anh” và “đồ ăn ngon” hiếm khi đi liền với nhau
Tuy nói tùy từng khẩu vị mỗi người ăn đậm nhạt khác nhau. Nhưng đồ ăn tại đây thực sự luôn quá ngọt, quá mặn hoặc quá khô so với đồ Việt. Kỷ niệm tệ nhất về đồ ăn ở Anh của mình là một lần mua cơm ở canteen trường. Hôm đó mình mua một suất pealla, kiểu giống cơm rang Việt Nam với giá 5 hào nhưng canteen lại chế biến nó thành một thứ như “cháo cơm rang”. Mình thì tiếc tiền cố ăn cho hết mà vẫn phải bỏ.
Mình chưa được ăn tại gia đình bản địa lần nào nên không biết ra sao. Nhưng mình thấy các giáo sư tại đây cũng thường mang cơm nhà đi hơn, nếu không thì cũng ăn kebab, pizza Italia chứ hiếm khi ăn đồ canteen.
Tips nhỏ: Để giải quyết vấn đề ăn uống ở Anh thời gian đầu mới sang, bạn nên chuẩn bị sẵn mì gói và lương khô từ nhà. Cũng không nhất thiết phải khuân cả mấy thùng sang, nhưng hãy chắc là mang đủ để đến khi hội họp với đồng hương bên đó.
Thường thì hầu hết quanh các trường học tại Anh đều có cộng đồng người Việt sinh sống, học tập, làm việc. Hãy cố gắng đi theo và note lại những địa điểm ăn uống ngon – rẻ bên đó. Cái này cũng còn tùy hên xui theo khu vực bạn ở, như gần chỗ mình ở có một quán của người Châu Á khá là ngon.
Ngoài các cửa hàng châu Á của người Việt, Tàu thì bạn nào dễ nuôi cũng có thể ăn uống ở các cửa hàng fastfood giao động từ £2 – £8/suất. An toàn nhất thì có thể ăn pizza.
Sau khi quen đường thuộc lối bên này bạn có thể đi mua đồ về tự nấu và mang đi. Thậm chí đang sống ở London mình còn có thể mua lòng lợn tại Harney và Depford đó.
Tips nhỏ: Nước mắm bên này không đúng vị lắm, bạn nào kén ăn thì bảo mẹ chưng sẵn nước mắm thành cục nhỏ đề phòng kiểm tra đồ đạc ở hải quan. Lúc ăn nấu nước cho vào là thành nước mắm thường ngay.
3. Chuyện làm thêm và những khó khăn ngặt nghèo
Hầu như bạn nào đi du học đều có ý nghĩ tìm việc làm thêm để trải nghiệm, kiếm tiền, hoặc đơn giản là cho đỡ chán. Tuy vậy để có một công việc khá khẩm bên UK cũng không phải dễ.
Việc làm thêm luôn được khuyến khích cho mọi du học sinh. Nhưng đừng vì quá ham mê kiếm tiền mà quên đi mục đích chính khi đi du học nhé các bạn.
Bạn sẽ khó tìm được việc ở các thành phố nhỏ, và ở thành phố lớn thì chi phí đi lại lại cao.
Ví dụ: nếu bạn học ở thành phố nhỏ như Chester thì cơ hội việc làm không nhiều. Vậy làm thế nào để vừa học vừa làm? Nhiều du học sinh ở đây lên Liverpool làm việc cuối tuần hoặc sống luôn ở Liverpool rồi xuống học khi có tiết.
Cho dù tìm được việc thì chưa chắc việc đó đã phù hợp với bạn!
Làm tại các nhà hàng của người Việt, Tàu thì đa số sẽ trả thấp hơn mức lương cơ bản là £6/giờ. Cộng thêm thi thoảng bị hạch sách, ăn quịt tiền lương. Sinh viên đi làm thêm thường sẽ không ký hợp đồng lao động nên cũng đành chịu vậy.
Đề phòng trường hợp này, sau buổi làm đầu tiên bạn phải hỏi ngay mức lương và thời gian học việc là bao lâu.
Lưu ý: Một số nơi bắt thử việc không lương cả tuần rồi đuổi rồi lại tuyển một đợt khác. Nếu thấy không ổn thì nên nghỉ ngay, chày cối cũng không được gì đâu. Đất khách quê người mà!
Công việc khá tốt, thu nhập ổn nên bạn làm quá giờ quy định rồi bị bắt?
Trên thực tế thì nhiều bạn làm như vậy và không bị làm sao. Nhưng khi bạn bị UKBA* bắt về đồn thì tức là họ đã có camera ghi hình bằng chứng bạn làm thêm quá giờ.
Tình huống xấu nhất là bạn sẽ bị tước hết giấy tờ học tập và gửi trả về nước. Năm trước chỗ mình có bạn chỉ vài tháng nữa là lấy bằng master cũng đành khăn gói ra đi.
Tips nhỏ: Lời khuyên cho tình huống đen đủi này là nhanh mồm nhanh miệng chút và nhất quyết đừng ký bất kỳ giấy tờ nào. Còn sau đó đành nhờ sự giúp đỡ của người thân thôi.
*UKBA là cơ quan chuyên quản lí các vấn đề về nhập cư và thị thực tại Vương quốc Anh
Trên đây là vài kinh nghiệm du học Anh mà mình thấy hữu ích nhất khi sang bên này. Ngoài ra, mình còn cóp nhặt được trọn bộ bí kíp ăn ở học chơi tại đây. Bộ tài liệu gồm thông tin về việc tìm nơi ăn ở, đi lại, chi tiêu thực tế, các địa chỉ cộng đồng người Việt … tại 16 thành phố tại Anh từ chính các anh chị khóa trước. Bạn nào chuẩn bị đi thì nhất định phải tham khảo qua. Mình cũng dựa cả vào đó mà thuận lợi sống tới giờ đây…