Việt Nam và Mỹ ở vị trí trọng tâm trong chương trình Global Wales với gói tài trợ mới công bố trị giá 3,5 triệu bảng Anh để đẩy mạnh hợp tác giáo dục.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn ngày 25/4, bà Tracey Marenghi, phụ trách truyền thông của Study in Wales, khẳng định vị trí ưu tiên của Việt Nam, bên cạnh Mỹ trong chương trình Global Wales.
Chương trình Global Wales thành lập từ năm 2015 nhằm mục tiêu hỗ trợ Wales mở rộng quan hệ hợp tác thông qua giáo dục và nghiên cứu.
“Chứng minh cam kết của mình, chính phủ Wales cung cấp cho Global Wales gói tài trợ trị giá 3,5 triệu bảng Anh trong 3 năm từ 2018 tới 2021, trong đó phần lớn gói này dành cho hoạt động ở Việt Nam”, bà Marenghi nói, đồng thời cho biết khoản tài trợ cho Việt Nam ước tính lên tới một phần ba gói này.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình, Global Wales sẽ hỗ trợ 20 suất học bổng trong chương trình Chevening dành cho Việt Nam từ các đại học ở Wales, chia đều cho 2 năm từ 2020 đến 2022.
Gói học bổng này đánh dấu lần đầu tiên các đại học Wales “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2019, chương trình Chevening dự kiến bao gồm 28 suất học bổng dành cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học trên toàn Vương quốc Anh.
Ngoài ra, bà Marenghi cho biết thêm hiện Global Wales đang duy trì quan hệ thường xuyên với năm trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, trong chương trình với Hội đồng Anh nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực và chất lượng đào cho các đơn vị tham gia.
– Tại sao Việt Nam được chọn vào vị trí trọng tâm của Global Wales?
– Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều nước khác nhau, Việt Nam quy tụ rất nhiều tiêu chuẩn mà chúng tôi có thể phát triển. Chúng tôi muốn chọn một nước đang phát triển để có thể chia sẻ các kinh nghiệm về giáo dục. Việt Nam là một nước đang phát triển rất nhanh.
Trung Quốc hay Ấn Độ có nhiều sinh viên hơn, nhưng lượng sinh viên Việt Nam tăng nhanh nhất. Việt Nam là thị trường lớn với dân số rất trẻ, sinh viên Việt Nam sẵn sàng ra nước ngoài du học. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cởi mở, cam kết nâng cao giáo dục, và muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để thực hiện điều đó.
– Global Wales đặt ưu tiên vào Việt Nam và Mỹ, hai nước hoàn toàn ở những cấp độ rất khác nhau về giáo dục, cách thức tiếp cận với mỗi nước có giống nhau? Ngoài hai nước này, chương trình có nhắm tới ứng viên khác?
– Các trường đại học ở Wales vốn đã có hợp tác với Mỹ, họ đã có các thỏa thuận đối tác, thiết lập các cơ sở cho sự phát triển, và họ rất hoan nghênh cách tiếp cận của chúng tôi.
Ở Mỹ, khía cạnh hợp tác giữa hai chính phủ không lớn mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động tuyển dụng, thiết lập các quan hệ hợp tác khác, chẳng hạn như hợp tác giữa các chuyên gia tư vấn giáo dục ở các trường trung học…
Ở Việt Nam, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào các cơ hội phát triển cũng như hợp tác giữa hai chính phủ. Chúng tôi cũng đang tiến hành các nghiên cứu để tìm kiếm nước ưu tiên thứ ba và dự kiến sau tháng 6 mới có kết quả.
– Các chương trình về giáo dục nhắm tới Việt Nam từ nhiều nước khác như Mỹ, Australia… đã được tiến hành từ lâu, tại sao Wales lại chọn thời điểm này tiến vào thị trường Việt Nam?
– Thời điểm này, ở Wales thuộc Vương quốc Anh, chúng tôi đang đối mặt với những thách thức lớn về EU (Liên minh châu Âu), bởi chúng tôi có khả năng mất nhiều du học sinh châu Âu sau Brexit. Hiện 20% du học sinh ở Wales đến từ EU, vậy nên rủi ro sẽ rất lớn nếu nguồn sinh viên này sụt giảm.
Các trường đại học cần sinh viên, do đó chúng tôi phải mở rộng đầu tư ra các nơi khác, trong đó Việt Nam là một ưu tiên.
Theo zing