Dịch bệnh phá ngang kế hoạch học tập của người trẻ. Với nhiều sinh viên quốc tế, giờ họ chứng kiến cảnh chi phí đắt đỏ bỏ ra chỉ để dành cho việc học trực tuyến từ xa.
Srishti Warman từng dành nhiều năm mơ ước về việc đặt chân đến nước Anh, ghi danh vào Đại học Cambridge danh tiếng để có tấm bằng MBA (chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh).
Mong ước thành sự thật vào tháng 9 năm ngoái. Song niềm vui chưa kéo dài bao lâu thì virus corona chủng mới xuất hiện và tấn công nước Anh.
Warman chưa từng tưởng tượng đến cảnh sáu tháng sau khi đến Anh, cô đã trở lại quê nhà Ấn Độ, trong căn nhà của cha mẹ ở Chandigarh, thành phố nằm ở phía Bắc bang Delhi.
Còn toàn bộ việc nghe giảng, trao đổi với giáo viên, bạn bè diễn ra trước màn hình vi tính.
Lo sợ dịch bệnh, sinh viên quốc tế buộc phải quay trở về quê nhà, học online từ xa dù không hề muốn. Ảnh: CNN.
Học phí đắt đỏ
"Nếu không có dịch bệnh, giờ tôi sẽ dành thời gian ở giảng đường, bắt đầu kỳ thực tập ở nước Anh. Công việc thực tập ấy có khả năng giúp tôi có một công việc toàn thời gian", Warman cho hay.
Trải qua sáu năm làm công việc phân tích kinh doanh tại quê nhà, cô gái chuyển sang một nghề nghiệp khác liên quan tới công nghệ. Mạnh dạn đầu tư việc học một lĩnh vực khác, cô chọn đến Đại học Cambridge.
92.000 USD, bao gồm học phí 68.000 USD cho chương trình học một năm và chi phí sinh hoạt là số tiền cô phải bỏ ra.
Thế nhưng, nhiều công ty hiện giờ buộc phải đóng cửa, khiến kỳ thực tập trong mơ trở nên xa vời. Giờ đây, cô gái hy vọng sẽ sớm được quay trở về trường và tìm được một việc làm thêm tại Anh ngay khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay quốc tế.
Trên thực tế, hàng nghìn sinh viên như Warman đã phải vay một khoản tiền lớn để theo đuổi các khóa học ở trời Âu. Và giờ, họ đối diện với tình cảnh bấp bênh do dịch bệnh ảnh hưởng đến nền giáo dục.
Nhiều sinh viên kêu gọi các trường đại học hoàn trả lại học phí do chất lượng học online không tương xứng với số tiền học phí đắt đỏ họ bỏ ra. Ảnh: Reuters.
Kỳ thực tập mùa hè bị hoãn lại, các cơ hội kết nối với nhà tuyển dụng, công ty hàng đầu để tìm kiếm một vị trí công việc cũng biến mất theo.
Hiện tại, Warman theo học chương trình online qua ứng dụng Zoom. Việc học không bị gián đoạn nhưng cô gái cảm thấy không xứng đáng với số tiền tốn kém ban đầu bỏ ra.
Gặp gỡ những người tài giỏi và thành đạt trên thế giới, tham gia các câu lạc bộ sinh viên, cố xây dựng các mối quan hệ xã hội, trải nghiệm môi trường đại học là những lý do khiến nhiều sinh viên chịu đầu tư số tiền đắt đỏ để đến Cambridge.
"Tình hình hiện tại trái ngược hẳn với việc học chương trình MBA theo cách truyền thống, trong khi học phí 2 năm cho chương trình này có thể lên tới 150.000 USD", Christina Troitino (28 tuổi), sinh viên năm hai tại Đại học Kinh doanh Stanford, cho biết.
Sinh viên bấp bênh, các trường lao đao
Giống như Warman và Troitino, hầu hết sinh viên của chương trình này đều chịu đầu tư số tiền lớn với hy vọng tấm bằng nhận được có thể giúp họ kiếm được thu nhập tốt hơn, để trả hết các khoản vay nợ tiền học.
Nhiều trường kinh doanh hàng đầu ở Mỹ, châu Âu và châu Á hiện nhận hàng loạt yêu cầu hoàn lại tiền từ sinh viên vì họ thấy không nhận được chất lượng dạy tương xứng với học phí.
Trong khi sinh viên cảm thấy nhiều cơ hội học tập và việc làm biến mất, các trường đại học cũng đang loay hoay với nhiều khó khăn tài chính dưới tác động của Covid-19. Ảnh: The Guardian.
Warman được trả lại một phần nhỏ học phí, nhưng điều này không thể bù đắp cho những trải nghiêm trực tiếp quý giá bị mất đi.
Tuy nhiên, nhiều trường vẫn miễn cưỡng với việc giảm bớt tiền học và chỉ giảm một phần nhỏ tiền ở ký túc xá cho những sinh viên đã trở về nhà vì lo sợ dịch. Một số trường khác đưa ra lựa chọn không hoàn lại tiền và sinh viên sẽ học thêm các lớp bổ sung hoặc tham dự sự kiện của trường sau khi tốt nghiệp.
"Đại dịch khiến việc tuyển sinh và các nguồn doanh thu khác của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi phải sử dụng nguồn thu học phí để trang trải các chi phí hoạt động khác", đại diện Đại học Kinh doanh Stanford (Mỹ), phát biểu.
Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, các trường đại học sẽ còn trải qua thời kỳ gián đoạn đến hết kỳ học mùa xuân và ảnh hưởng đến cả số sinh viên nhập học mỗi năm.
Nhiều trường đang đối mặt với câu hỏi liệu các lớp học có thể quay trở lại bình thường vào mùa thu. Thời gian nộp đơn đăng ký tuyển sinh cũng được gia hạn thêm.
Trên thực tế, các cuộc suy thoái kinh tế trong lịch sử đã thúc đẩy nhiều người học lên các chương trình đại học cao hơn. Theo nghiên cứu của Caroline Hoxby, giáo sư Kinh tế học tại Đại học Stanford, tỷ lệ học đại học đã tăng lên ở Mỹ sau mỗi lần nước này trải qua khủng hoảng tài chính từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do vấn đề sức khỏe, mà cụ thể là dịch Covid-19 gây ra là chưa từng có tiền lệ. Sinh viên quốc tế sẽ gặp khó khăn trong vấn đề xin thị thực, còn lệnh hạn chế đi lại được ban bố tại nhiều quốc gia.
Nhiều người sẽ chọn học gần nhà vì muốn ở cạnh gia đình, nhất là khi dịch bệnh xảy đến, không ai biết trước mức độ nghiêm trọng hay nó sẽ diễn biến thế nào.
Nguồn: Trà My/ Zing.vn