Theo một báo cáo được phát hành đầu tháng bởi nhà xuất bản Viện Chính sách Giáo dục Đại học (HEPI), với các tác giả chính là David Maguire (Phó hiệu trưởng của Đại học Greenwich và David Morris; cán bộ chính sách của trường) việc phải đi học xa gây ra một loạt các vấn đề cụ thể tác động tiêu cực đến thành tích của sinh viên trong trường đại học.
Hầu hết sinh viên theo học tại các trường đại học Vương quốc Anh sống trong ký túc xá hoặc thuê phòng ở các khu vực lân cận. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng đáng kể những sinh viên sống cùng gia đình ở những thành phố khác hoặc sống xa trường và phải di chuyển một quãng đường dài để đến lớp.
Chi phí, thời gian và nguy cơ tai nạn khi đi lại gây ảnh hưởng đến việc học tập và tham gia các hoạt động trong trường, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các công việc khác mà họ phải đảm nhiệm, chẳng hạn như nghĩa vụ với gia đình hoặc công việc bán thời gian.
Anh đề xuất giảm số ngày đi học để hỗ trợ sinh viên sống xa trường (ảnh minh họa).
“Có một bằng chứng cho thấy rằng, so với sinh viên nội trú, sinh viên phải đi học xa có kết quả kém hơn từ bậc giáo dục đại học, sinh viên sẽ ít tham gia và kém hài lòng hơn với trải nghiệm học tập của họ”, báo cáo cho biết.
“Điều trớ trêu là các sinh viên nội trú thì muốn các buổi học của họ được sắp xếp phân bổ đều nhau trong tuần, vì vậy họ không bị quá tải vào bất kỳ buổi sáng hoặc buổi chiều nào. Trong khi sinh viên phải đi học xa lại muốn điều ngược lại, họ muốn học vào một số ngày cố định trong tuần vì như thế có thể đến trường, làm việc cả ngày, nhận bài tập cần làm và về nhà”, theo báo cáo của Times Greater Education.
Báo cáo cũng khuyến nghị rằng các trường đại học nên tìm cách lập thời khóa biểu mạch lạc và thuận tiện cho sinh viên sống xa trường và phải đi xa mới tới được lớp học, bằng cách giới hạn số ngày học hoặc tránh các dịp nghỉ lễ nhiều người du lịch vào dịp cao điểm. Các hiệp hội học sinh và sinh viên nên được tư vấn về điều này, báo cáo đề xuất. Ví dụ, ở London, giá vé cho chuyến du lịch vào dịp cao điểm có thể cao hơn tới 100% so với giá vé thời gian bình thường.
Báo cáo của HEPI đã xác định ít nhất 10 trường đại học có hơn một nửa số sinh viên vẫn đang sống cùng gia đình, trong khi 10 trường khác có hơn 40% sinh viên phải di chuyển một quãng đường dài mới đến được lớp học.
Một ước tính trước đây của tổ chức từ thiện xã hội, Sutton Trust đã phát hiện ra rằng khoảng 1/4 trong số tất cả các sinh viên Vương quốc Anh vẫn cư trú tại nhà. Họ có nhiều khả năng đến từ những gia đình nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Do chi phí cao của chỗ ở dành cho sinh viên tại Anh ngày nay, không có gì đáng ngạc nhiên khi những thanh niên thuộc gia đình tầng lớp lao động lại không thể rời khỏi nhà của họ để đến ở một nơi nào đó gần trường hơn.
Báo cáo “Ở nhà và ở xa nhà: Sự bất bình đẳng về xã hội, dân tộc và không gian trong khả năng di chuyển của sinh viên”, nói rằng, cơ hội để đi học đại học bị hạn chế khi dường như nó chỉ dành cho nhóm đối tượng xuất thân từ những gia đình giàu có hơn.
Thái Hằng
Theo Study international News