Đồng bảng yếu đã trở thành một “vũ khí” lợi hại của nhiều nhà xuất khẩu và của ngành du lịch “xứ sở sương mù”.
Với việc sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra tại nước Anh hồi cuối tháng Sáu năm nay, đồng bảng Anh đã sụt giảm mạnh, mất khoảng 10% giá trị so với đồng euro và liên tục chạm các mức “đáy” mới của 31 năm so với đồng USD.
Và đồng bảng yếu đã trở thành một “vũ khí” lợi hại của nhiều nhà xuất khẩu và của ngành du lịch “xứ sở sương mù”, ít nhất là trong ngắn hạn.
Các tín đồ shopping và người yêu du lịch trên thế giới đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này. Bằng chứng là trên ứng dụng du lịch Ctrip.com của Trung Quốc, lượng khách tìm kiếm để đặt kỳ nghỉ tại nước Anh “tăng đột biến”, trong khi trang tin Phoenix cũng của Trung Quốc mời gọi du khách tới London để “mua sắm, mua sắm và mua sắm”.
Theo một nghiên cứu mới đây của Luca Solca, chuyên gia phân tích thị trường xa xỉ phẩm của Exane BNP Paribas, đồng bảng rớt giá khiến nước Anh trở thành nơi rẻ nhất để mua các thương hiệu thời trang cao cấp như Burberry, Mulberry và Jimmy Choo.
Giới chức Burberry – thương hiệu thời trang cao cấp 160 năm tuổi nổi tiếng của nước Anh – cho biết, doanh số bán của họ tại thị trường Anh đã tăng tới 30% trong quý III/2016.
Thương hiệu thời trang “kẻ ca rô” độc tôn trên thế giới này dự đoán xu hướng giảm giá của đồng bảng có thể giúp lợi nhuận của họ tăng thêm tới 125 triệu bảng (152 triệu USD) trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017.
Trong khi các hãng thời trang xa xỉ vẫn chưa tính tới việc nâng giá bán tại nước Anh trong vài tháng tới, ít nhất là cho tới khi thời điểm và cách thức Brexit diễn ra trở nên rõ ràng, hoạt động du lịch và chi tiêu tại Anh dự kiến vẫn diễn ra sôi động nhờ đồng bảng yếu.
Exane BNP Paribas ước tính khách du lịch “đóng góp” tới 50% doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu; và sự biến động của tỷ giá hối đoái đã khiến mức giá của các sản phẩm có sự cách biệt khá rõ rệt giữa từng khu vực, qua đó thúc đẩy nhu cầu mua sắm mạnh hơn đối với du khách muốn “săn” hàng hiệu giá hời.
Theo bà Myf Ryan, Giám đốc tiếp thị tại nước Anh và châu Âu của tập đoàn Westfield, tính trung bình, mỗi khách Trung Quốc khi tới các cửa hiệu của Westfield ở London hiện mua khoảng 10 món đồ, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những người đam mê du lịch, nước Anh đã “bất ngờ” trở thành điểm đến hấp dẫn và hợp túi tiền hơn sau cuộc bỏ phiếu Brexit cách đây bốn tháng.
Theo Cơ quan lữ hành Vương quốc Anh VisitBritain, lượng khách đặt tour du lịch từ Mỹ sang nước Anh trong các tháng 10-12/2016 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, số du khách từ Ấn Độ đặt tour tới “xứ sở sương mù” cũng tăng 11%, còn lượng du khách Trung Quốc đặt lịch đến Anh tăng tới 24%.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu xu hướng mất giá của đồng bảng sẽ kéo dài trong bao lâu và nước Anh có thể duy trì vị thế là “thiên đường hàng hiệu giá rẻ” đến khi nào?
Yếu tố được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới biến động của đồng bảng trong thời gian tới là báo cáo mùa Thu của Chính phủ nước Anh, dự kiến được công bố vào ngày 23/11, trong đó Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond sẽ công bố những ưu tiên trong kế hoạch chi ngân sách.
Ngoài ra, thị trường tiền tệ cũng sẽ để mắt tới động thái tiếp theo về lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh, cũng như các số liệu kinh tế cho thấy Brexit tác động lên kinh tế “xứ sở sương mù”.
Minh Trang (Tổng hợp)
London SW6 3JW