Trong những ngày du lịch London, nếu bạn có thời gian rảnh, không vướng bận gì, hãy trải nghiệm đi chợ vì ở đó là cả một thế giới đa sắc với hoa trái, rau củ, đồ xưa cũ, những món ngon trong tinh hoa ẩm thực, những nét văn hóa bản địa và nhập cư… Mỗi chợ mang bản sắc và những nét quyến rũ rất riêng, luôn khiến người ta mê mẩn.
Trong vô số loại hình chợ ở London, chợ phiên luôn là những điểm đến đặc sắc nhất, bởi hầu hết đều có bề dày lịch sử tồn tại cả trăm năm, thậm chí ngàn năm, hoạt động vui nhộn, rộn ràng vào các ngày cuối tuần. Mỗi chợ phiên gắn với một nét văn hóa riêng, có sự hội nhập của cộng đồng người nhập cư và yếu tố bản địa.
Nếu là người yêu thích các hiện vật sưu tầm, những món đồ trang trí, trang sức, thời trang cổ điển…, thì Portobello sẽ là điểm đến hàng đầu. Còn chợ phiên Brixton với những sắc thái của cộng đồng châu Phi và vùng Caribe, Borough là chợ đồ ăn lớn nhất London…
Mỗi hành trình khám phá chợ phiên cái thiếu nhất bao giờ cũng là thời gian, bởi ở đó, từng gian hàng, từng hiện vật bày bán là một câu chuyện dẫn dắt dễ khiến người đi chợ quên cả lối về.
Được mệnh danh là “chợ của các chợ”, Portobello (trong phố Notting Hill nổi tiếng từ phim tình cảm cùng tên trình chiếu năm 1999 với diễn xuất của Julia Roberts và Hugh Grant) từ khi hình thành chỉ mang công năng là một khu chợ bán rau củ quả, đồ tươi sống.
Đến những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, chợ có thêm không gian cho giới buôn đồ cổ hội tụ, và cho đến nay trở thành chợ đồ cổ – đồ sưu tầm lớn nhất ở Anh với số lượng người buôn trung bình khoảng 1.000. Chợ mở cửa suốt tuần nhưng khu vực bán đồ sưu tầm chỉ mở cửa đúng ngày thứ Bảy.
Ở khu chợ này, thứ Bảy cũng là ngày bận rộn nhất khi cả con đường Portobello dài gần 3 cây số đều phủ kín các gian hàng và người qua lại, ngày thường xe cộ được phép lưu thông nhưng vào dịp cuối tuần, cả con phố được dành riêng cho người đi bộ. Riêng với khu vực bán đồ cũ, đồ cổ, đồ lưu niệm, chỉ một số ít tiệm nằm mặt tiền đường, còn không gian tụ họp chính của chợ cũng kéo dài cả cây số nhưng nằm gọn dưới tầng hầm của các dãy nhà liên kế.
Một đặc điểm riêng của khu đồ cổ là mở cửa từ rất sớm, chưa đầy 5 giờ sáng thứ Bảy là các tiệm đã bắt đầu dọn hàng, giới lái buôn tíu tít quây quần ở các quán nhỏ bán cà phê, trà và các loại bánh ngọt bàn chuyện chuyên môn, dân sưu tầm lọ mọ đi săn tìm những món đồ ưng ý.
Ở thế giới đồ xưa của Portobello, hiện vật ở các nền văn hóa, quốc gia đều thấy xuất hiện, từ máy ảnh, máy hát đến tranh ảnh, gốm sứ, đồ thủy tinh, đồng, đá, gỗ… Mỗi tiệm bán hàng lại mang một chuyên đề riêng để giới sưu tầm dễ bề lựa chọn.
Có thể tìm thấy ở đây cả những hiện vật gốm Chu Đậu được vớt từ xác tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đến những món đồ pháp lam Huế…, tất cả được bày bán có giá niêm yết, nhưng nếu quyết định mua, cứ mạnh dạn trả giá bởi sẽ chẳng ai phàn nàn, và thông thường mức giá sẽ được điều chỉnh trong phạm vi từ 10 – 20% so với giá niêm yết.
London có một chợ phiên độc đáo khác là Brixton, hình thành từ những năm 1870 với những phân khu nổi bật như quầy chợ (đường Atlantic), bày bán mặt hàng nổi tiếng là các loại trái cây tươi ngon nhập khẩu từ vùng Caribe, phân khu ăn uống (Brixton Village) với kiến trúc chợ vòm, dãy hành lang dài kín hai bên là các nhà hàng, quán ăn mang phong vị ẩm thực là sự hòa trộn của Á – Âu – Phi – Mỹ Latinh.
Những ngày cuối tuần ở Brixton là lúc để thưởng thức ẩm thực đường phố, những món cơm chiên hải sản Paella từ Tây Ban Nha, món sinh tố xay đậm chất Caribe, đến món thịt nướng kẹp bánh bột lúa mạch từ Thổ Nhĩ Kỳ… sẽ tiếp thêm năng lượng cho hành trình dạo chợ thêm nhiều lý thú.
Hãy đến Brixton vào Chủ Nhật vì đây là ngày đặc biệt nhất của cả tuần bởi có chợ phiên bày bán các sản phẩm chủ yếu là rau củ quả tươi mới hái từ nông trại. Chợ phiên dành cho nhà nông ở London này mở cửa từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và thượng khách chủ yếu có hai dạng, số ít ỏi là dân du lịch, còn lại là giới nhà giàu London, bởi các thứ nông phẩm ở đây đều là thực phẩm sạch, nên giá không hề rẻ.
Một chợ phiên khác được ưa chuộng hàng đầu tại London chính là Borough, chợ chia làm hai phiên, bán sỉ diễn ra hằng ngày, từ 2 đến 8 giờ sáng, các ngày từ thứ Tư – thứ Bảy dành cho việc bán lẻ. Sinh viên quốc tế khi du học London rất khoái khu chợ đặc biệt này, không chỉ bởi bề dày lịch sử đã 1.002 năm tồn tại, hiện là chợ đồ ăn lớn nhất London, mà cái thú khi dạo chợ là được nếm thử vô số món ăn bày bán tại chợ.
Mang công năng là chợ ẩm thực, vừa là đồ bản địa, vừa có đồ nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu, Borough mạnh về các dòng hải sản tươi sống nhưng món này chỉ hấp dẫn dân bản xứ. Với du khách, những món ngon như phô mai, bánh, mứt, thịt nguội, sôcôla tươi, nước trái cây ép, cà phê, trà, rượu vang… sẽ là những thứ khó có thể cưỡng lại cơn thèm muốn, bởi chỉ cần đi ngang cửa tiệm, những chủ nhân mến khách lập tức giới thiệu món ngon, mời khách ăn thử, thao thao bất tuyệt về cách chế biến, giải thích hương vị, để mỗi lần đến Borough, khi trở về bao giờ cũng là một chuyến tha lôi với lỉnh kỉnh những món ăn ưng ý.
Theo dulichcongvu