Bạn từng nghĩ xin visa đi du lịch châu Âu tự túc là… hái sao trên trời. Nhưng thực tế không đến nỗi kinh khủng như vậy. Các nước châu Âu cũng cần phát triển du lịch. Nếu bạn chứng minh đầy đủ kế hoạch du lịch chính đáng và giấy tờ đầy đủ, lý do gì lại không thể?
Việc xin visa đi du lịch châu Âu ít khi gặp trở ngại nếu bạn đảm bảo các thông tin trung thực, có mục đích rõ ràng, không có các yếu tố lập lờ thiếu minh bạch; đảm bảo điều kiện về tài chính để có thể sống và chi tiêu trong khối trong suốt quá trình lưu trú và lịch trình du lịch đảm bảo bạn không trốn ở lại sau khi hết hạn visa.
Visa Schengen là visa cho phép bạn được nhập cảnh vào 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen. Những nước này bao gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc Khối liên minh châu Âu).
Lưu ý là Anh và một số nước khác thể hiện trong bản đồ dưới đây không nằm trong khối Schengen nên nếu bạn nào có ý định đi du lịch đến các nước đó thì phải xin visa riêng chứ không phải là xin visa đi du lịch châu Âu.
Bước 1: Chuẩn bị thủ tục xin visa đi du lịch châu Âu
Lưu ý: Hồ sơ bắt buộc phải bằng tiếng Anh. Nếu giấy tờ gốc là tiếng Việt, bạn phải đi dịch công chứng. Thời gian dịch công chứng hồ sơ càng gần càng tốt. Đừng tiết kiệm lấy bản dịch từ nhiều tháng, nhiều năm về trước nhé.
– Đơn xin Visa (tải tại đây: http://www.vfsglobal.com/Denmark/Vietnam/english/pdf/Application_for_schengen_VN.pdf)
– Lịch trình đi lại đầy đủ: Tổng thời gian chuyến du lịch. Tổng thời gian ở mỗi nước. Hành trình cụ thể mỗi ngày: Khởi hành từ đâu, tới đâu, làm gì, di chuyển bằng phương tiện gì, tối nghỉ ngơi ở đâu?
– Đặt phòng khách sạn, vé xe/tàu (nếu bạn định ngủ đêm trên xe/tàu), vé máy bay. Một số trang web cho phép đặt phòng và huỷ phòng miễn phí như Booking.com, agoda.com, airbnb.com nên bạn chỉ cần đặt phòng, in phiếu và mã đặt phòng… trường hợp xấu nhất không thể tiến hành chuyến đi như dự định, bạn vẫn có thể hủy phòng vào những ngày gần nhất.
– Dự trù kinh phí và nguồn kinh phí để chứng minh tài chính:
Sổ tiết kiệm khoảng 200 triệu
Xác nhận số dư sổ tiết kiệm, số dư hiện có trong thẻ ATM và số hạn mức của thẻ tín dụng.
Sao kê tài khoản ngân hàng nhận lương 3 tháng gần nhất
Bảng lương 3 tháng gần nhất. Bạn có thể yêu cầu kế toán hoặc phòng nhân sự công ty xác nhận vị trí, mức lương cả GROSS và NET. Chỉ cần trưởng phòng nhân sự ký tên đóng dấu là được.
– Mua bảo hiểm du lịch quốc tế tối thiểu 30.000 $ có thời hạn bảo hiểm cho bạn trong suốt hành trình ở khu vực châu Âu (Schengen). Có thể ra Bảo hiểm Bảo Việt mua, giá khoảng 700.000 đồng.
– Hợp đồng lao động
– Đơn xin nghỉ phép có chữ ký và dấu công ty
– Sổ hộ khẩu
– Giấy đăng ký kết hôn (nếu đi cùng vợ hoặc chồng)
– 2 hình thẻ 3.5×4.5cm, nền trắng, không đeo kính, tóc gọn gàng không che tai, che trán, không cười
– Passport
Bước 2: Lên lịch hẹn nộp hồ sơ
– Vào trang web: https://fr.tlscontact.com/vn/
– Chọn nơi bạn nộp hồ sơ (chỉ có ở 2 nơi: Hà Nội hoặc TP. HCM)
– Đăng ký và kích hoạt tài khoản
– Sau khi kích hoạt, đăng nhập lại và làm theo hướng dẫn trên trang
– Một số lưu ý bắt buộc phải lựa chọn:
Purpose of Travel: Chọn SHORT STAY -> TOURIST
Personal Information: Chỉ cần chọn “I will fill out this information by hand at a later date” (vì đã điền mẫu xin visa rồi, lúc này bạn sẽ chỉ phải nhập những thông tin căn bản)
Main destination: Chọn tên đất nước bạn dự định bay tới trong hành trình đầu tiên khởi hành từ Việt Nam. Lưu ý, vì thế, bạn buộc phải khai số ngày bạn ở đất nước này nhiều nhất trong lịch trình của bạn. Đơn giản thôi, vì nó logic.
Nhiều người đánh giá lãnh sự quán Pháp là nơi dễ xin visa đi du lịch châu Âu hay visa Schengen nhất và lựa chọn nộp hồ sơ vào lãnh sự này.
Chi phí:
– 60 Euro cho Lãnh sự quán
– 26 Euro cho dịch vụ của TLS
– Bạn sẽ trả bằng tiền Vietnam Dong, tiền mặt khi lên nộp hồ sơ tại văn phòng TLS. Số tiền quy đổi sẽ theo tỷ giá ngoại tệ thời gian bạn đăng ký lịch hẹn qua trang web và được thông báo ngay trên website luôn.
Một số lưu ý:
– Để xin visa du lịch châu Âu thành công, lịch trình tham quan của bạn phải thật rõ ràng và logic. Bởi đây là giấy tờ duy nhất chứng minh mục đích chuyến đi của bạn là du lịch. Hãy nghiên cứu hành trình hợp lý, thời gian di chuyển hợp lý và trình bày theo thứ tự ngày tháng. Lưu ý nơi nộp hồ sơ là lãnh sự quán nước nào thì đó phải là nước đầu tiên bạn hạ cánh và nhập cảnh. Thời gian lưu trú ở quốc gia này phải dài hơn tất cả các nước khác trong Khối liên minh châu Âu bạn sẽ đi tới. Đây được coi là điểm mấu chốt của bộ hồ sơ.
– Đa số trường hợp, lãnh sự quán chỉ cấp visa đúng số ngày bạn xin, đúng thời gian bạn dự định nên bạn hãy nghiên cứu và cộng thêm vài ngày so với thời gian thực tế.
– Một lần nữa, lưu ý các đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tàu… nên chọn những nơi cho phép hủy miễn phí. Một số phòng vé cho phép hủy vé có tính phí. Thông thường chỉ khoảng 2% giá vé thôi. Trường hợp xấu nhất là không được cấp visa, tốn 1 chút tiền thay vì mất toàn bộ. Không điều gì là không thể xảy ra.
– Bạn có thể nộp hồ sơ xin thị thực tối đa là 90 ngày trước ngày xuất hành. Trong mọi trường hợp, cần nộp hồ sơ thị thực chậm nhất là 15 ngày trước ngày xuất hành.
– Đến nộp hồ sơ đúng giờ và đúng lịch hẹn.
– Văn phòng TLS chỉ là nơi nhận hồ sơ và chỉ nhận hồ sơ khi bạn cung cấp đầy đủ theo yêu cầu. TLS không đóng vai trò quyết định cấp visa cho bạn hay không.
– Văn phòng TLS Hồ Chí Minh đặt tại: Vincom Dong Khoi Tower, tầng 12A, 72 Lê Thánh Tôn (hoặc 45A Lý Tự Trọng) P. Bến Nghé , Quận 1, TP. HCM
– Khi vào nộp hồ sơ, bạn phải gửi giỏ xách, các thiết bị điện tử ở ngoài.
Xin visa đi du lịch châu Âu tuy có phức tạp một chút nhưng không hẳn là không thể thực hiện hay quá khó khăn bạn nhỉ? Chuẩn bị kỹ càng theo hướng dẫn trên một chút là bạn có thể thành công và nhanh chóng có được visa để “vi vu” châu Âu cùng cả nhà rồi!
Hà Đỗ
Theo Sparkling.vn