Những thay đổi tích cực khi học tiếng Anh

Bạn sẽ nói cảm ơn, xin lỗi nhiều hơn, nói lời yêu thương dễ dàng hơn và đặc biệt không phải nghĩ nhiều đến tuổi tác.

Cô giáo dạy tiếng Anh Minh Nguyệt chia sẻ lợi ích khi học tiếng Anh từ góc nhìn cá nhân.

Người ta nói học ngôn ngữ là học văn hóa, điều này quả không sai. Khi học tiếng Anh, mình thấy có rất nhiều thay đổi.

1. Cảm ơn, xin lỗi nhiều hơn

Khi học tiếng Anh, người ta chào hỏi đơn giản “How are you?” mà mình còn phải “I’m good, thank you. And you?”. Đi ăn uống ở nhà hàng cũng thế, khi người phục vụ mang đồ ra, mình liền “thank you” theo phép lịch sự. Vô ý mà đụng vào người ta, mình phải “sorry” ngay lập tức.

Giờ áp dụng cả văn hóa đó vào tiếng Việt, khi làm điều gì không phải với con, mình cũng nói “Mẹ xin lỗi” thay vì chỉ cười hoặc thể hiện thái độ ăn năn. Trong khi nhiều bậc ông bà nhà ta thì người lớn làm sai đến đâu cũng không cần xin lỗi, thể hiện bằng hành động thôi.

2. Nói lời yêu thương dễ dàng hơn

Tiếng Anh có ba từ đơn giản “I love you”, ai xem phim Mỹ sẽ nghe thấy xuất hiện rất nhiều. Mình học tiếng Anh lâu ngày bị nhiễm, giờ cứ nói “mẹ yêu con” mà không thấy ngượng mồm.

426 Content 1 10
Nhờ học tiếng Anh, bạn có thể nói lời yêu thương dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: Huffington Post

3. Quên tuổi tác

Trong tiếng Anh, các đại từ nhân xưng ám chỉ cấp bậc tuổi tác như cô, chú, cháu, chị, em, anh, bác, bà… không tồn tại. Do đó, việc nói “I” với “you” khiến mình cảm thấy trẻ ra, như quên mất mình bao nhiêu tuổi. Nếu sang Mỹ, các bạn hãy nhớ câu hỏi tuổi “How old are you?” là cấm kị.

Ngay trong cách xưng hô, bạn bè cũng gọi nhau bằng tên thân mật. Mình có những người bạn tên là Sue và Don, năm nay đều 67 tuổi rồi, già hơn cả bố mẹ mình. Ở Việt Nam, bình thường mọi người sẽ khó kết thân với những người chênh lệch độ tuổi. Cái chữ “chú”, “bác” đôi khi làm rào cản khiến mình khó cảm thấy gần gũi.

Ở Mỹ thì khác, bạn bè gọi nhau bằng tên, nên nhiều lúc mình quên mất các bác ấy lớn tuổi lắm rồi, mà chỉ nghĩ như người bạn. Tương tự, mình chơi với những bạn 18-20 tuổi, nhiều khi cũng quên mất bạn ấy kém mình đến hơn 10 tuổi, vì cứ gọi tên thôi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trang trọng, bạn nhớ gọi người ta bằng Mr. hoặc Ms. Ví dụ, mình tên là Nguyệt, họ Nguyễn thì sẽ gọi là Ms. Nguyễn, chứ không phải Ms. Nguyệt. Còn ở trường đại học, các giáo sư thường được gọi là doctor hoặc professor, ví dụ professor Wu.

Tóm lại, khi học tiếng Anh hay một ngôn ngữ mới nào khác, các bạn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước đó, vì văn hóa phản ánh qua ngôn ngữ. Nếu có thái độ tích cực hòa nhập với văn hóa, con người nước đó, bạn cũng sẽ học ngôn ngữ dễ vào hơn nhiều.

Tiếng Anh thay đổi một phần văn hóa của bạn. Và để học tốt tiếng Anh, tốt nhất là nên yêu văn hóa của nước nào đó nói tiếng Anh. Mình vẫn là người Việt Nam, nhưng cởi bỏ chút ít cái tôi Việt Nam để đón nhận cái mới, bạn sẽ thấy những thay đổi tích cực.

Minh Nguyệt

Nguồn: Vnexpress

Bài liên quan