Không chỉ đè nặng tăng trưởng, tình trạng thiếu hụt nhà ở trên khắp lục địa châu Âu còn có nguy cơ làm căng thẳng chính trị khi tình trạng thiếu nhà ngày càng gây áp lực lên cử tri.
Cuộc khủng hoảng nhà ở châu Âu chỉ mới bắt đầu - Ảnh: BLOOMBERG
Tại một khu phố rợp bóng cây ở thành phố Düsseldorf (Đức), hai vợ chồng Milena và Manuel David dự định xây một ngôi nhà ở mới, cột mốc quan trọng giúp họ thoát khỏi căn hộ chật chội nơi hai vợ chồng phải ngủ chung phòng với 2 đứa con.
Nhưng trong 16 tháng chờ đợi giấy phép, lãi suất thế chấp đã tăng gấp ba lần và chi phí xây dựng của họ tăng thêm 85.000 euro (90.000 USD). Cả hai phải đối mặt với sự thật rằng giấc mơ xây dựng ngôi nhà của riêng mình đã sụp đổ.
Theo Hãng tin Bloomberg, không chỉ vợ chồng David gặp khó, điều này cũng diễn ra tương tự với các cặp vợ chồng trẻ trên khắp lục địa châu Âu. Và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại nằm trong số những quốc gia giàu có nhất.
Giấy phép xây dựng mới ở Đức đã giảm hơn 27% trong nửa đầu năm. Giấy phép ở Pháp giảm 28% và việc xây dựng nhà ở tại Anh dự kiến giảm hơn 25% trong năm 2023.
Thụy Điển cũng đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1990, với tỉ lệ xây dựng chưa bằng 1/3 mức cần thiết để theo kịp nhu cầu.
Sự suy thoái đang ảnh hưởng đến những ngôi nhà dành cho một gia đình, giống như ngôi nhà vợ chồng David đang lên kế hoạch cũng như các dự án nhà ở lớn.
Công ty Vonovia SE, "chủ đất" lớn nhất của Đức, đã tạm dừng vô thời hạn mọi công trình xây dựng mới trong năm 2023.
Ở Thụy Điển, một dự án quan trọng sản xuất pin cho ô tô nhằm giảm sự phụ thuộc của khu vực vào nguồn cung từ Trung Quốc cũng có nguy cơ gặp khó trong việc thu hút lao động do thiếu nhà ở.
Các chính phủ đang nợ cử tri những lời hứa
Hiến pháp Thụy Điển cam kết cung cấp nhà ở giá phải chăng cho người dân. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, nguồn cung căn hộ cho thuê không theo kịp nhu cầu, khiến giá nhà tăng cao và buộc người dân phải sống trong các căn hộ cho thuê ở chợ đen.
Ở Anh, việc xây dựng nhà ở liên tục không đạt được mục tiêu 300.000 ngôi nhà/năm do chính phủ Đảng Bảo thủ cầm quyền đặt ra vào năm 2019.
Ở Đức, nhà ở giá rẻ là một trong những cam kết quan trọng được liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế ước tính Chính phủ Đức sẽ không đạt được mục tiêu sớm nhất là thêm 400.000 ngôi nhà mới hằng năm cho đến năm 2026.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online