Bulgaria thông báo sẽ chuyển hệ thống S-300 cũ cho Ukraine, trong khi Nga nhấn mạnh rằng điều này vi phạm thỏa thuận chuyển giao trước đó giữa Moskva và Sofia.
Quốc hội Bulgaria ngày 27/9 quyết định chuyển tên lửa S-300 cũ cho Ukraine, song chưa tiết lộ số lượng. Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria, đô đốc Emil Evtimov nói số tên lửa "có tuổi thọ hơn 30 năm", một số thậm chí gây ra nguy hiểm khi Bulgaria giữ lại do chúng chưa vượt qua các cuộc kiểm tra bảo trì.
Hristo Gadjev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Bulgaria, cho biết "đây là những tên lửa lỗi mà Bulgaria không thể sửa chữa". Tuy nhiên, Ukraine có thể rã xác chúng lấy phụ tùng linh kiện để sửa hệ thống S-300 của mình.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng S-300 di chuyển trên đường phố trong lễ duyệt binh tại Bulgaria tháng 5/2009. Ảnh: Wikimedia
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng. Bulgaria, thành viên NATO, sở hữu 10 xe chở đạn kiêm bệ phóng S-300 được phân thành hai đơn vị.
Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) ngày 27/9 cho biết điều 4 trong thỏa thuận giữa chính phủ nước này và Bulgaria, ký hồi tháng 9/2002, cấm chuyển giao vũ khí và trang thiết bị quân sự cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Nga.
"Do đó, đây lại là một hành vi vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế của giới lãnh đạo Bulgaria trong kiểm soát vũ khí, bất chấp phía Nga đã nhiều lần giải thích", FSVTS cho biết. "Việc chuyển vũ khí tới vùng chiến sự tại Ukraine chắc chắn sẽ làm leo thang xung đột và tăng thêm thương vong cho người vô tội".
FSVTS kêu gọi giới chức Bulgaria "xem xét lại quyết định của mình nhằm chấm dứt hành vi vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hợp tác quân sự". Cơ quan này cũng cho biết Liên Xô và sau đó là Nga "đã thiết lập hợp tác quân sự với Bulgaria trên nguyên tắc tôn trọng và tin cậy lẫn nhau".
S-300 có thể hạ mục tiêu ở khoảng cách 180-360 km tùy đạn tên lửa. Các hệ thống radar của S-300 có thể phát hiện tới 300 mục tiêu ở khoảng cách 300 km, theo dõi và chỉ thị cùng lúc 4-6 mục tiêu cho tên lửa.
Một số quốc gia thành viên NATO như Hy Lạp và Slovakia cũng có S-300 trong biên chế. Slovakia đã chuyển toàn bộ tổ hợp S-300 và đạn tên lửa cho Kiev sau khi chiến sự Ukraine bùng phát. Trong khi đó, Hy Lạp đang cân nhắc khả năng tương tự khi thay thế các tổ hợp S-300 bằng Patriot.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET