Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sử dụng chiến thuật công kích đối thủ - Tổng thống Joe Biden - trước thềm cuộc tranh luận quan trọng giữa 2 người.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Trong buổi tập dượt cho cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 27/6, ông Donald Trump liên tiếp tung ra cáo buộc thiếu căn cứ nhằm vào Tổng thống Joe Biden và các nhân vật điều hành hãng tin CNN.
Đây được xem là một trong những chiến thuật quen thuộc được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng trong các chiến dịch trước đó.
Khi ông Biden đọc Thông điệp Liên bang hồi tháng 1, ông Trump đã nhắc lại yêu cầu chủ nhân Nhà Trắng "xét nghiệm chất cấm".
Trước cuộc tranh luận lần này, ông Trump đưa ra yêu cầu tương tự.
Ronny Jackson, bác sĩ từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời ông Trump và cựu Tổng thống Barack Obama, hiện là nghị sĩ đảng Cộng hòa của Texas, cũng viết một bức thư kêu gọi ông Biden thực hiện một cuộc kiểm tra như vậy.
Ông Trump còn nói ông Biden sẽ không thể giữ được thái độ bình tĩnh trong buổi tranh luận sắp tới.
Bên cạnh đó, ông Trump còn nhắm vào Jake Tapper, một trong những lãnh đạo của CNN, trong cuộc tranh luận ngày 27/6 tại Atlanta. Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Karoline Leavitt, chỉ trích ông Tapper trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/6, khiến người dẫn chương trình Kasie Hunt đột ngột kết thúc buổi nói chuyện.
Không dừng lại ở đó, Eric Trump, con trai cựu Tổng thống Mỹ, trả lời phỏng vấn ngày 23/6: "Bố tôi sẽ không chỉ tranh luận về ông Joe Biden mà còn cả CNN", đồng thời cho rằng hãng thông tấn này đã thiên vị ông Biden.
Đây không phải lần đầu tiên đối thủ của ông Trump đối mặt với những cáo buộc vô căn cứ như vậy. Năm 2016, đội ngũ tranh cử của ông Trump từng tuyên bố bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ, đã "hưng phấn" một cách đáng ngờ giữa một cuộc tranh luận Tổng thống, đồng thời yêu cầu bà đi xét nghiệm chất cấm trước cuộc tranh luận tiếp theo.
Những lời phàn nàn chống lại người điều hành các hãng truyền thông cũng rất quen thuộc. Vào năm 2020, ông Trump liên tục gọi nhà báo Kristen Welker của hãng NBC là "đảng viên đảng Dân chủ cánh tả cực đoan, khét tiếng".
"Ông ấy đang khiến cử tri bỏ qua các vấn đề chính của sự kiện. Đó là một phần trong chiến lược truyền thông của ông Trump", Joan Donovan, Giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Boston, chia sẻ.
Ngay cả những nguồn tin có thái độ tích cực với ông Trump cũng phải thừa nhận rằng các cáo buộc này rất có thể sai sự thật, hoặc là một phần của chiến thuật tranh cử đã được lên kế hoạch.
Theo Guardian
Nguồn: Báo điện tử Dân trí