Nghị quyết, được 495 trong số 679 nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ, trong đó lên án chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Hungary Orban tới Nga là"không đại diện cho EU và là sự vi phạm trắng trợn các hiệp ước của EU cũng như chính sách đối ngoại chung.
Thủ tướng Hungary Orban và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: RT.
Budapest đã quen với việc đối phó với áp lực từ Brussels, ông Szijjarto nói với kênh RT của Nga tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York hôm 17/7.
"Rõ ràng là các chính trị gia ủng hộ chiến tranh của EU không hài lòng (với) những gì chúng tôi đang làm vì họ không muốn hòa bình, họ muốn cuộc chiến này tiếp tục. Họ không quan tâm đến sự leo thang, nhưng chúng tôi thì có", ông nói.
Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng Hungary "đã quen với những kiểu tấn công như vậy… kiểu áp lực như vậy" từ Brussels.
Ông nói thêm: "Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh hòa bình của mình… Chúng tôi sẽ nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vì đó là lợi ích quốc gia của Hungary.
Tuy nhiên sáng kiến hòa bình của Orban vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều thành viên Châu Âu. Với đa số phiếu tại phiên họp toàn thể ngày 17/7, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết ủng hộ Ukraine và lên án những hành động chính sách đối ngoại thiếu phối hợp của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.
Nghị quyết chỉ trích Hungary
Nghị quyết, được 495 trong số 679 nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ, trong đó lên án chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga là"không đại diện cho EU và là sự vi phạm trắng trợn các hiệp ước của EU cũng như chính sách đối ngoại chung".
Nghị quyết cũng lên án Hungary lạm dụng chức vụ chủ tịch Hội đồng EU và kêu gọi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài trợ cho Ukraine từ Quỹ Hòa bình châu Âu.
Nghị quyết kêu gọi tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính và các hỗ trợ khác cho Ukraine, hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga.
Hợp tác với Trung Quốc
Trong khi đó, Bộ trưởng Szijjarto đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 16/7. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 17/7 cho biết, ông Vương tiết lộ Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tổ chức "liên lạc chiến lược" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về "các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình" trong chuyến đi gần đây của ông Orban tới Bắc Kinh. Bắc Kinh "tin rằng vấn đề cấp bách nhất" là thúc đẩy giảm căng thẳng ở Ukraine.
Theo tuyên bố của phía Trung Quốc, ông Vương nói với ông Szijjarto rằng tất cả các bên nên đạt được sự đồng thuận về việc "không lan rộng chiến trường, không leo thang chiến tranh và không thổi bùng ngọn lửa".
Ông Vương ca ngợi "vai trò mang tính xây dựng" của Hungary trong việc hòa giải cho hòa bình, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Budapest để tập hợp "các lực lượng ủng hộ hòa bình", đưa ra những tiếng nói hợp lý hơn và "thúc đẩy tình hình hướng tới một giải pháp chính trị".
Ngoại trưởng Szijjarto cũng khẳng định đất nước ông sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc nhằm tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng.
Bắc Kinh từ lâu đã thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt tình trạng thù địch nhân dịp kỷ niệm một năm xung đột vào tháng 2/2023.
Trước đó ông Orban đã bắt đầu "sứ mệnh hòa bình" tới Ukraine, Nga, Trung Quốc và Mỹ vào đầu tháng này, để thảo luận về cách giải quyết xung đột - ngay sau khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu từ 1/7. Ông Orban đã nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với các cuộc chiến Ukraine.
Nhà lãnh đạo Hungary sau đó đã đến thăm ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump ở Mỹ, người đã nói rằng "phải có hòa bình và nhanh chóng".
Orban cũng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Theo quan điểm của ông, Mỹ, EU, Trung Quốc và Türkiye có thể trở thành trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT