Kinh tế Nga ngày càng gặp nhiều khó khăn từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Ngay cả các quốc gia "thân thiện" với Nga cũng dè chừng các lệnh cấm vận này.
Kinh tế Nga đang gặp phải rất nhiều khó khăn, quá trình phong tỏa tài chính đối với họ tiếp tục được tăng cường, ngay cả từ những quốc gia mà Điện Kremlin đưa vào danh mục "thân thiện".
Mới đây nhất, theo sau Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Trung Quốc, các công ty Nga cũng gặp vấn đề trong thanh toán với Mông Cổ.
Thông tin trên đã được đưa ra bởi ông Alexander Knobel - Giám đốc Trung tâm quốc tế về Nghiên cứu ngoại thương tại Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA).
Cụ thể, các ngân hàng Mông Cổ bắt đầu tránh hợp tác với những công ty Nga do lo ngại lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, họ lo ngại gặp rắc rối lớn do vi phạm chế độ trừng phạt hiện hành.
Vào tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã được phép cắt khỏi hệ thống tài chính của nước này bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới được xác định là có liên quan hay hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.
Vướng mắc liên quan tới thanh toán và giao dịch tài chính đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với các công ty Nga, làm phức tạp đáng kể việc thực hiện các dự án hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế.
Nhiều ngân hàng từ các quốc gia trước đây được Moskva coi là đối tác đáng tin cậy đang bắt đầu hạn chế tương tác với mọi doanh nghiệp Nga khi lo ngại hậu quả từ những lệnh trừng phạt, do vậy Điện Kremlin cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khó khăn..
"Gáo nước lạnh" đối với kinh tế Nga chưa kết thúc khi nhiều quan chức tại Berlin cho biết, Đức sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của Mỹ đó là sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Bước đi nói trên nhằm mục đích giúp chính phủ Ukraine vượt qua xung đột và tái thiết đất nước sau này, nhưng trước hết một phần lớn khoản tiền sẽ được dùng để đáp ứng yêu cầu mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Bên cạnh đó, Mỹ đang thúc đẩy các đối tác trong nhóm G7 cung cấp cho Ukraine một khoản vay ưu đãi, được đảm bảo bằng thu nhập tương lai đến từ tài sản bị phong tỏa của Nga.
Đức bày tỏ sẵn sàng ủng hộ sáng kiến của Mỹ. Tuy nhiên thỏa thuận cuối cùng về việc sử dụng tiền lãi thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga dự kiến khó lòng đạt được trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7, dự kiến diễn ra vào ngày 13/6 đến 15/6.
Kể cả khi thông qua, việc thực hiện bản kế hoạch này khó lòng bắt đầu trước năm 2025 bởi thủ tục đi kèm tương đối phức tạp, đồng thời phải tránh tạo ra tiền lệ xấu đối với nền kinh tế thế giới.
Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố ý định về cách tiếp cận chung trong việc sử dụng tài sản thuộc chủ quyền của Liên bang Nga tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 diễn ra tại Ý.
Giới quan sát cho rằng một thỏa thuận về vấn đề nói trên có thể sẽ đạt được tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 5/2024 của các bộ trưởng tài chính thuộc nhóm G7.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô