Những quả bom lượn tầm xa AGM-154 JSOW đầu tiên của Mỹ, được Washington hứa hẹn là một phần của gói hỗ trợ quân sự mới, đã có mặt tại Ukraine.
Theo các nguồn tin, khoảng 100 đơn vị vũ khí có độ chính xác cao được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách đáng kể. Việc cung cấp loại đạn hàng không này có thể tăng cường đáng kể tiềm năng tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine và gây tác động lớn đến những hoạt động quân sự hiện tại.
Bom AGM-154 JSOW là loại đạn hàng không dẫn đường chính xác với tầm bắn lên tới 130 km. Chúng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ ngoài tầm bắn của hệ thống tên lửa phòng không, khiến chúng trở thành công cụ quan trọng cho chiến dịch tấn công.
Vũ khí này có thể sử dụng để chống lại các vật thể kiên cố, kho đạn dược, thiết bị quân sự, cũng như để phá hủy các sở chỉ huy quan trọng của đối phương.
Việc cung cấp bom lượn tầm xa AGM-154 JSOW là một phần trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất từ Hoa Kỳ, bao gồm cả xe bọc thép, hệ thống pháo binh và các vũ khí tiên tiến khác.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình hình ngày càng trầm trọng trên các mặt trận, đặc biệt là ở khu vực Ugledar, Avdiivka và Kupyansk, nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt. Dự kiến bom JSOW sẽ sớm có mặt tại chiến trường trong vài ngày tới.
Ukraine sẽ nhận được thêm nhiều chủng loại vũ khí tối tân sau khi Mỹ cung cấp cho Kyiv bom lượn AGM-154 JSOW.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Đức Annalena Bärbock đã ủng hộ ý tưởng gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, khi đưa ra tuyên bố trái ngược với quan điểm của Thủ tướng Olaf Scholz.
Theo bà Baerbock, cần phải cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Kyiv, nhưng vị chính trị gia cũng thừa nhận rằng không có sự thống nhất về vấn đề này trong khuôn khổ chính phủ liên minh của Đức.
“Chúng tôi là một nền dân chủ và có nhiều ý kiến khác nhau trong liên minh cầm quyền. Vì lý do này mà tên lửa TAURUS vẫn chưa được chuyển giao”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cần nhấn mạnh, trước đó Thủ tướng Olaf Scholz đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine. Bài phát biểu của ông tập trung vào những rủi ro có thể xảy ra khi leo thang xung đột với Nga, đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Moskva.
Theo ông Scholz, việc cung cấp vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình Taurus có thể dẫn đến những hậu quả khó lường và phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tên lửa Taurus có khả năng bắn trúng mục tiêu từ cự ly lên tới 500 km, giúp mở rộng đáng kể khả năng thực hiện các cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Kyiv đã nhiều lần quay sang các đối tác phương Tây với yêu cầu cung cấp những loại vũ khí như vậy để củng cố vị thế của mình trên chiến trường.
Theo Avia-pro