Trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea dễ dàng bị tên lửa hành trình Storm Shadow của Ukraine phóng từ trên không đánh trúng, phải chăng hệ thống phòng không Nga có lỗ hổng lớn?
Lỗ hổng của hệ thống phòng không Nga tại Crimea
Ngày 22/9, trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga bị Ukraine tấn công bằng tên lửa hành trình Storm Shadow gây hư hỏng nặng. Truyền thông phương Tây đánh giá đây là một "đòn mạnh" giáng vào Quân đội Nga.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra là tại sao một cơ sở quân sự quan trọng như vậy lại dễ dàng bị quân đội Ukraine tiến công đến thế? Hệ thống phòng không của Nga phải chăng "có vấn đề"?
Thứ nhất, việc sở chỉ huy Hạm đội Biển Đen bị tấn công, trước hết cho thấy hệ thống phòng không của Nga có lỗ hổng rất lớn, nếu không, liệu quân đội Ukraine có cơ hội ra tay?
Thứ hai, phải chăng tốc độ phản ứng của hệ thống phòng không Nga quá chậm? Hay số lượng hệ thống phòng không được triển khai quá ít? Điều này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Moscow.
Đối với các cơ quan quân sự đặc biệt quan trọng, số lượng hệ thống phòng không được triển khai phải ở mức cao và phải thiết lập hệ thống phòng không nhiều tầng, nhiều lớp.
Vũ khí mà Ukraine dùng tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen lần này là tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp, về nguyên tắc, các hệ thống phòng không của Nga hoàn toàn có thể đánh chặn, nhưng lần này họ đã để lọt lưới tới 2 quả đạn và như ta đã biết, hậu quả vô cùng lớn.
Crimea tiếp tục đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng và nguồn lực của đối phương đến các khu vực khác của mặt trận. Để phá vỡ điều này, nhiều hoạt động khác nhau đang được tiến hành - trên biển, trên đất liền và trên không - và còn nhiều hoạt động khác nữa sắp được thực thi.
Người phát ngôn tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov
Vài ngày trước đó, Ukraine cũng đã tổ chức một cuộc tấn công rất thành công bằng tên lửa Storm Shadow vào nhà máy sửa chữa tàu Sevastopol, làm tàu đổ bộ và tàu ngầm lớp Kilo đang được sửa chữa tại ụ nổi bị hư hại nghiêm trọng.
Người phát ngôn tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov lưu ý rằng tất cả các hoạt động này là một phần của chiến lược toàn diện và chúng được đánh giá đều "hiệu quả". Ông Yusov nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea với trọng tâm hiện tại là làm suy yếu các vị thế của Nga.
Theo ông Yusov, "Crimea tiếp tục đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng và nguồn lực của đối phương đến các khu vực khác của mặt trận. Để phá vỡ điều này, nhiều hoạt động khác nhau đang được tiến hành - trên biển, trên đất liền và trên không - và còn nhiều hoạt động khác nữa sắp được thực thi".
Những gì đang xảy ra có tác động tiêu cực, khiến người ta thắc mắc tại sao Crimea, nơi được coi là pháo đài gần như được bảo vệ tốt nhất của Nga cùng với khu vực Kaliningrad, lại bị Ukraine tấn công "dễ dàng" theo đúng nghĩa đen?
Trụ sở Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga ở Sevastopol bị tên lửa hành trình Ukraine tập kích ngày 22/9 gây thiệt hại nặng (Ảnh: TASS).
Mỹ và NATO giúp gì cho các cuộc tấn công của Ukraine?
Trên thực tế, vấn đề hoàn toàn không nằm ở lực lượng phòng không của Nga, vốn được đánh giá là một trong những lực lượng phòng không tốt nhất thế giới, có thể đánh chặn hầu hết các mối đe dọa trên không. Nó nằm ở lợi thế đáng kể của khối NATO được cho là đứng sau, hỗ trợ Ukraine về các phương tiện trinh sát vũ trụ và trên không.
Nhiều chuyên gia quân sự đã thông tin, trước mỗi cuộc tấn công tên lửa của Ukraine vào Crimea, máy bay trinh sát, cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) cùng máy bay trinh sát chiến lược không người lái tầm cao của Mỹ và NATO, liên tục bay vòng quanh bầu trời Biển Đen, dường như chúng đã cung cấp cho Ukraine về thông tin mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực.
Ngoài ra, bằng phương pháp trinh sát vũ trụ, NATO có thể theo dõi mọi hành động và chuyển động của quân đội Nga, cho đến việc xác định loại máy bay của Nga cất cánh và tên lửa mà nó phóng đi.
Do vậy, tình báo Mỹ và NATO biết chính xác việc triển khai quân Nga tại cảng Sevastopol, những hoạt động mà quân Nga đã làm ngày hôm đó tại cảng.
Một điều quan trọng nữa, là tình báo phương Tây đã tìm ra "điểm mù" hoặc sơ hở của các hệ thống radar Nga. Đây là mắt xích yếu, giúp các đòn tấn công của Ukraine có thể đạt được tính bí mật và bất ngờ.
Những thông tin này ngay lập tức được gửi đến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine theo thời gian thực. Ukraine cảm thấy rằng tất cả những điều kiện này đã chín muồi và họ có thể đánh trúng mục tiêu chỉ bằng một đòn tấn công, đạt được mục đích chiến thuật và thực tế đã chứng minh đúng như vậy.
Việc Quân đội Ukraine tấn công hạm đội Nga đóng tại Crimea và phía sau là cả khối NATO, vậy Nga có gì để có thể chống lại những máy bay AWACS, P-8A Poseidon và UAV Global Hawks?
Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ (Ảnh: The Drive).
Lực lượng phòng không Nga đang thiếu gì?
Tính đến năm 2022, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có 3 máy bay AWACS A-50 và 6 chiếc phiên bản hiện đại hóa A-50U. Cách đây vài ngày, Tập đoàn quốc doanh Rostec đã bàn giao thêm một chiếc A-50U khác cho Bộ Quốc phòng Nga.
Trên kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Nga có thông tin về chiếc AWACS A-50U này như sau: Máy bay có thể phát hiện các loại máy bay thế hệ mới của đối phương, đồng thời có khả năng theo dõi cùng lúc số lượng mục tiêu và dẫn đường, chỉ huy số lượng máy bay chiến đấu quân ta lớn hơn so với phiên bản trước.
Thiết bị điện tử hàng không được nâng cấp, với các thiết bị điện tử mới với hiệu suất và tốc độ cao hơn, giúp tăng khả năng của phần mềm chuyên dụng. Việc sử dụng màn hình LCD mới có kích thước và độ phân giải lớn hơn, đã làm tăng hiệu quả của hệ thống hiển thị tình huống toàn cảnh trên không.
Đồng thời, hãng chế tạo đã nâng cấp tiện nghi của phi hành đoàn, giúp giảm sự mệt mỏi trong thời gian làm việc kéo dài trên không. A-50U cũng nhận được hệ thống dẫn đường và phần mềm bay mới.
Do sử dụng một số công nghệ mới, chiếc A-50U này sẽ tăng tốc độ và phạm vi phát hiện các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển cũng như hiệu quả phòng không.
Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị hiện đại đã làm giảm trọng lượng của máy bay, giúp tăng phạm vi hoạt động cũng như thời gian trên không khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
AWACS A-50U được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Il-76, có khả năng theo dõi tới 300 mục tiêu trên không, phát hiện máy bay ném bom địch ở khoảng cách 650km, tên lửa hành trình tới 215km và phát hiện với mối đe dọa mới là các UAV nhỏ.
Lực lượng phòng không Nga hy vọng rất lớn vào A-50U, khi nó sẽ có thể phát hiện trước máy bay và tên lửa hành trình của đối phương, các mục tiêu trên mặt đất và trên biển; truyền dữ liệu chỉ định mục tiêu về sở chỉ huy và các kíp chiến đấu phòng không theo thời gian thực.
Nhưng để bảo vệ đáng tin cậy vùng trời Crimea, Quân khu phía Bắc và toàn bộ chiến trường từ Lugansk, Donetsk, Zaporizhia xuống tới Kherson với thời gian 24/7, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cần phải ít nhất có từ 3-5 chiếc A-50/A-50U có mặt liên tục trên bầu trời. Khi đó hiệu quả của các hoạt động phòng không Nga mới được đảm bảo.
Ngoài số máy bay AWACS A-50U, thì những chiếc máy bay trinh sát kỹ thuật vô tuyến và quang điện tử Tu-214R, được phát triển trên cơ sở máy bay dân dụng Tu-214 (tính năng tương tự như máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ), cũng phải hoạt động song song với AWACS A-50U.
Sự khác biệt chính của máy bay Tu-214R so với AWACS A-50U là loại radar AFAR, đây là loại radar mảng hoạt động theo giai đoạn. Ở chế độ chủ động, tầm trinh sát mục tiêu của radar ước tính khoảng 250km và 400km ở chế độ thụ động.
Không quân Nga phải thay phiên nhau sử dụng hai loại máy bay này để tuần tra trên Biển Đen và dọc biên giới Nga-Ukraine, nhằm nắm thông tin chiến trường theo thời gian thực cho Quân đội Nga.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50U AWACS được tiêm kích MiG-31 của Không quân Nga hộ tống (Ảnh: Không quân Nga).
Nhưng hiện tại, Không quân Nga ngoài một số ít AWACS A-50/A-50U như trên, cũng chỉ có 2 chiếc Tu-214R đang hoạt động và không có máy bay dự trữ trong kho. Chiếc Tu-214R thứ 3, được Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng vào năm 2016, nhưng chưa được đưa vào thử nghiệm.
Ngoài ra, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và Hải quân Nga còn có khoảng hai chục máy bay trinh sát vô tuyến Il-20, được chế tạo trên cơ sở máy bay Il-18 dân dụng và được trang bị radar quan sát bên, thiết bị chụp ảnh, trạm trinh sát và đánh chặn vô tuyến.
Một trong số chúng đã bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không Syria vào năm 2018, khi một phi công Israel sử dụng nó làm lá chắn phòng không. Một chiếc khác cũng bị bắn rơi trong cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner vào mùa hè vừa qua. Tất cả hai chiếc Il-20 bị bắn rơi, toàn bộ thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Đánh giá một cách khách quan, máy bay trinh sát Il-20 đã rất lạc hậu, lẽ ra những chiếc Tu-214R sẽ thay thế nó, nhưng mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch.
Với phân tích và đánh giá như trên, đó là "những lỗ hổng" chết người mà Ukraine có thể tận dụng để tấn công tên lửa vào những nơi được coi là bảo vệ tốt nhất của Nga. Thiếu khả năng cảnh báo sớm từ xa, các hệ thống tên lửa phòng không dù có hiện đại đến mấy vẫn có thể bị xuyên thủng.