Malaysia quyết thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bất chấp Trung Quốc phản đối

Thủ tướng Malaysia hôm 15/10 tái khẳng định Petronas, công ty năng lượng của nhà nước Malaysia, sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

1 Malaysia Quyet Tham Do Dau Khi O Bien Dong Bat Chap Trung Quoc Phan Doi

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 15/10/2024 nói Malaysia có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, và cho biết sự tập trung nhiều hơn đã được đặt vào những bất đồng với Trung Quốc.

Điều này bao gồm các hoạt động thăm dò tại mỏ khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi bang Sarawak thuộc đảo Borneo, ông Anwar Ibrahim tuyên bố trước quốc hội.

“Chúng ta sẽ tiếp tục, nhưng chúng ta sẽ không đóng cửa các cuộc thảo luận với bất kỳ quốc gia nào”, ông Anwar cho biết.

Ông nói Malaysia có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, và cho biết sự tập trung nhiều hơn đã được đặt vào những bất đồng với Trung Quốc.

“Chúng ta có vấn đề nhưng những vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Những vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và tình bạn thân thiết với các nước láng giềng của chúng ta”, ông nói.

Tháng trước, ông Anwar tuyên bố các hoạt động thăm dò của Malaysia nằm trong lãnh thổ của mình và không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với Trung Quốc, sau khi truyền thông rò rỉ một công hàm ngoại giao từ Bắc Kinh.

Trong công hàm do một hãng tin Philippines đăng tải, Bắc Kinh khẳng định rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh thổ của mình.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông và đã triển khai một đội tàu cảnh sát biển vào sâu trong Đông Nam Á, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, làm phức tạp thêm các nỗ lực thăm dò của các quốc gia này.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hague rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Các dự án dầu khí của Petronas ở Biển Đông đã có một số lần chạm trán với các tàu Trung Quốc trong những năm gần đây.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, một nhóm nghiên cứu của Hoa Kỳ, cho biết trong một phúc trình trong tháng này rằng các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã thường xuyên ghé thăm các giếng thăm dò của Malaysia ngoài khơi Sarawak trong năm nay, tiến sát các giàn khai thác khí đốt tại Timi, Kasawari và Jerun trong phạm vi 1.000 mét.

Mỏ Kasawari của Petronas ước tính có trữ lượng khí đốt là khoảng 3 nghìn tỷ mét khối và bắt đầu đi vào sản xuất lần đầu tiên vào tháng 8 năm nay.

Theo VOA

Bài liên quan