Nền kinh tế lớn nhất EU cảnh báo tình trạng thiếu điện

Các nhà điều hành công nghiệp Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - đã gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu điện sắp xảy ra.

1 Nen Kinh Te Lon Nhat Eu Canh Bao Tinh Trang Thieu Dien

Đức đã phải tăng cường nhập khẩu điện trong năm nay. Ảnh: SRW

Bloomberg đưa tin, hãng hàng không hàng đầu của Đức Lufthansa cho biết, sẽ cần tiêu thụ một nửa tổng sản lượng điện của đất nước nếu hãng chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh như e-kerosene, loại nhiên liệu kết hợp giữa CO2 hút lại từ khí quyển và hydrogen.

Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr tuyên bố, nhiên liệu tổng hợp được sản xuất bằng năng lượng tái tạo là cách tiếp cận tốt nhất để khử carbon trong ngành hàng không. Tuy nhiên, ông Spohr cảnh báo rằng, khó có đủ điện xanh ở Đức để tạo ra loại nhiên liệu này.

Ông Spohr phát biểu tại một hội nghị hàng không ở Hamburg: “Chúng tôi sẽ cần khoảng một nửa lượng điện của Đức để sản xuất đủ nhiên liệu. Tôi không nghĩ Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck sẽ cho tôi làm điều đó”.

Các loại nhiên liệu tổng hợp như e-kerosene, có nguồn gốc từ nước, được các nhà điều hành ngành hàng không coi là cách duy nhất có tính khả thi về mặt kỹ thuật để khử carbon trong du lịch hàng không.

Ngành công nghiệp này đang nỗ lực thiết lập một thị trường sử dụng e-kerosene cho hầu hết máy bay hiện đại. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi lượng điện khổng lồ được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tái tạo để đảm bảo tính trung hòa carbon.

Những nỗ lực nhằm khử carbon trong du lịch hàng không diễn ra vào lúc Đức phải dựa vào nguồn điện nhập khẩu vì nước này không thể đáp ứng nhu cầu bằng nguồn điện sản xuất trong nước.

Nền kinh tế lớn nhất EU đã phải tăng cường nhập khẩu điện trong năm nay sau khi chính phủ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại của đất nước để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Đức cũng đang gặp khó khăn do việc cung cấp năng lượng của Nga giảm, gần như bị dừng hoàn toàn sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào năm ngoái để đáp trả chiến dịch quân sự ở Ukraina. Trước năm 2022, Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên.

Các nhà điều hành ngành công nghiệp Đức đã gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu điện sắp xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của Đức với tư cách là một trung tâm công nghiệp.

Bài liên quan