Tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như ngày càng tồi tệ hơn đối với Nga. Trong khi đó, 98% các ngân hàng Trung Quốc - ngay cả các ngân hàng nhỏ trong khu vực - từ chối chấp nhận chuyển khoản trực tiếp của Trung Quốc từ Nga.
Alexey Razumovsky, giám đốc thương mại của công ty thanh toán Impaya Rus, chia sẻ với hãng truyền thông Nga Izvestia rằng hiện tại 98% ngân hàng Trung Quốc, ngay cả các ngân hàng nhỏ, từ chối chấp nhận chuyển khoản thanh toán trực tiếp từ Nga đến Trung Quốc.
Theo Izvestia, tình hình càng trở nên khó khăn hơn trong 3 tuần qua vì các công ty tài chính quy mô nhỏ của Trung Quốc vẫn đang xử lý các khoản thanh toán của Nga từ tháng 5 và tháng 6.
Trước đó, một số trang thông tin cho biết, khoảng 80% giao dịch chuyển khoản ngân hàng được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được hoàn lại mà không rõ nguyên nhân sau khi “đứng im” trong nhiều tuần. Khi đó, nhiều ngân hàng đang đưa ra quyết định liệu giao dịch đó có được thực hiện hay không.
Razumovsky cho biết những thách thức trong vấn đề thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc có thể góp phần gây trở ngại cho chuỗi cung ứng và tình hình lạm phát ở Nga.
Kể từ sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga và các đối tác thương mại đã né tránh lệnh trừng phạt bằng cách giao dịch qua các ngân hàng nhỏ hơn, dùng các phương thức thanh toán khác hoặc các đồng tiền tệ không phải USD. Tuy nhiên, giải pháp này gặp chướng ngại lớn khi Mỹ phê chuẩn các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhắm đến các tổ chức tài chính đang hỗ trợ Nga từ tháng 12.
Alexey Poroshin, tổng giám đốc công ty tư vấn và đầu tư First Group, nói với Izvestia, một số tổ chức tài chính ở Trung Quốc thậm chí còn bắt đầu tư chối thanh toán bằng đồng Rúp. Ông cho hay, các ngân hàng Trung Quốc e ngại việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga qua các định chế tài chính ở Hồng Kông.
Trong khi đó, Ekaterina Kizevich, CEO của công ty tư vấn ngoại thương của Nga Atvira, tiết lộ các công ty Nga vẫn gửi Nhân dân tệ đến Trung Quốc thông qua các chi nhánh ngân hàng Nga ở đại lục với phí chênh lệch tỷ giá là 5%.
Razumovsky cho biết nhiều công ty Trung Quốc vẫn từ chối thanh toán với các chi nhánh ngân hàng Nga ở đại lục.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Nga vẫn có những lựa chọn thay thế như thực hiện giao dịch thông qua quốc gia thứ 3 “thân thiện”. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền số để tạo sự thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Mới đây, Reuters đưa tin, Nga và Trung Quốc có kế hoạch tái khởi động hoạt động trao đổi hàng hoá từ thời Liên Xô để né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga gấp rút thiết lập cơ chế thanh toán thay thế
Các công ty Nga vẫn có các lựa chọn thay thế như giải quyết các giao dịch thông qua cái gọi là các nước thứ ba "thân thiện". Nga cũng đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, chẳng hạn như tiền điện tử, để tạo thuận lợi cho thương mại. Nga và Trung Quốc thậm chí đang lên kế hoạch khôi phục thông lệ lâu đời là trao đổi để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, Reuters đưa tin hôm thứ Năm tuần trước.
Các vấn đề của Nga trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ khiến một trụ cột hỗ trợ quan trọng cho cuộc chiến chống lại Ukraine sụp đổ, Joseph Webster, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, viết trong một báo cáo hồi tháng 6. "Trong khi xuất khẩu của Nga giúp tài trợ cho nỗ lực chiến tranh, nhập khẩu hàng hóa công nghiệp của nước này quan trọng hơn nhiều trong việc duy trì khía cạnh kinh tế, chính trị và quân sự của nỗ lực chiến tranh, ít nhất là trong ngắn hạn", ông viết.
"Hàng nhập khẩu của Nga ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và duy trì sự ủng hộ chính trị cho cuộc chiến bằng cách ổn định mức sống và, trong một số trường hợp, tạo điều kiện cho khả năng quân sự", Webster viết.
Theo Business Insider