Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ diễn ra hôm nay, với khoảng 170 triệu cử tri sẽ lựa chọn giữa ông Trump và bà Harris.

Ba thị trấn ở bang New Hampshire gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield là những điểm đầu tiên mở cửa cho người dân đi bỏ phiếu từ 0h ngày 5/11 (12h giờ Hà Nội). Phần lớn các bang bắt đầu mở cửa địa điểm bỏ phiếu từ 6h.

Tại một số khu vực bang Vermont, cử tri có thể đi bỏ phiếu sớm nhất vào lúc 5h. Ở bang Iowa, người dân một số hạt phải chờ tới trưa mới được bỏ phiếu, phụ thuộc vào quyết định của các quan chức bầu cử địa phương.

1 Nguoi My Di Bau Tong Thong Hom Nay

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AP

Việc bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày thứ ba sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 là truyền thống đã có từ gần 180 năm trước và duy trì tới ngày nay. Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở các bang chiến trường cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, và ứng viên Dân chủ Kamala Harris, 60 tuổi, rất sít sao, có thể dẫn tới kịch bản kiểm phiếu lại ở một số nơi.

Quá trình kiểm phiếu năm nay được cho là sẽ nhanh hơn nhiều so với năm 2020, khi nhiều bang mất thời gian kiểm phiếu qua thư do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. 4 năm trước, truyền thông Mỹ phải mất 4 ngày sau ngày bầu cử mới xác định được người chiến thắng.

2 Nguoi My Di Bau Tong Thong Hom Nay  Mỹ bầu tổng thống như thế nào?

Mỹ bầu cử tổng thống như thế nào. Video: CBS, Reuters

Năm nay, việc các bang chú trọng yếu tố chính xác, an toàn trong quá trình kiểm phiếu có thể làm chậm thời gian công bố kết quả, khiến ứng viên chiến thắng nhiều khả năng sẽ chưa được xướng tên trong đêm 5/11. Giới chuyên gia nhận định tổng thống đắc cử chỉ có thể được xác định vào sáng ngày 6/11 hay vài ngày sau đó.

Các hoạt động tranh cử tổng thống đã bắt đầu từ hai năm trước, khi ông Trump hồi tháng 11/2022 tuyên bố tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng. Đến tháng 4/2023, đương kim Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố tái tranh cử.

Cuộc bầu cử bắt đầu chứng kiến bước ngoặt hồi tháng 5, khi bồi thẩm đoàn của tòa hình sự Manhattan, New York, ngày 30/5 tuyên bố ông Trump "có tội" với toàn bộ 34 tội danh trong vụ truy tố làm giả hồ sơ kinh doanh chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.

Trump trở thành ứng viên đầu tiên của một chính đảng là người bị tuyên có tội khi chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng điều này không cản bước ông tiếp tục chạy đua. Ông thậm chí còn tận dụng cơ hội này để tăng cường công kích phe Dân chủ "săn phù thủy", cũng như lôi kéo cử tri ủng hộ.

Đến tháng 7, bầu cử Mỹ lại chứng kiến bước ngoặt mới, khi Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử sau cuộc tranh luận đáng thất vọng với ông Trump. Ông Biden "trao lại ngọn đuốc" cho cấp phó Harris, người chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ trong đại hội toàn quốc một tháng sau đó.

Ngày 13/7, nước Mỹ rúng động khi cựu tổng thống Trump bị ám sát hụt trong lúc phát biểu tại cuộc mít tinh ở Butler, bang Pennsylvania. Đây là lần đầu tiên một vụ ám sát như vậy xảy ra tại Mỹ trong hơn 4 thập kỷ.

Ông Trump bị bắn sượt vành tai, khiến máu chảy xuống mặt. Tuy nhiên, thay vì tỏ ra sợ hãi, ông lấy lại tinh thần, nhìn thẳng vào đám đông ủng hộ phía dưới và liên tục vung nắm đấm lên trời, hô to "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!".

Hai tháng sau, ông Trump tiếp tục đối mặt âm mưu ám sát, khi mật vụ phát hiện và nổ súng vào một nghi phạm mang súng ẩn nấp trong bụi rậm gần sân golf ở West Palm Beach, bang Florida ngày 15/9. Các vụ ám sát liên tiếp khiến ông Trump tăng cường công kích đảng Dân chủ và thu hút thêm sự ủng hộ của những người Cộng hòa có quan điểm cứng rắn.

Hai ứng viên tranh cử với tầm nhìn rất khác biệt cả về đối nội lẫn đối ngoại. Trong khi ông Trump chủ trương tinh giản bộ máy liên bang, nêu ý tưởng mời tỷ phú Elon Musk phụ trách cơ quan giám sát hiệu suất chính phủ, tăng cường giám sát hoạt động tình báo của Mỹ, bà Harris lại chú trọng bảo vệ công chức, ngăn sa thải hàng loạt nhân viên trong chính quyền.

Về kinh tế, ông Trump muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, đe dọa áp thuế suất 60% với toàn bộ hàng nhập khẩu của Trung Quốc, 10-20% với các nước khác. Bà Harris lại muốn giảm thuế cho người lao động, tăng thuế doanh nghiệp, cấm tăng giá hàng hóa liên bang.

Hai chiến tuyến Trump - Harris

Trong vấn đề nhập cư, ông Trump chủ trương mạnh tay trấn áp người vượt biên trái phép vào Mỹ, cam kết sẽ tiến hành đợt trục xuất hàng loạt lớn nhất lịch sử với người nhập cư không giấy tờ. Trong khi đó, bà Harris muốn kiểm soát nhập cư bằng một dự luật lưỡng đảng nhằm tăng cường an ninh biên giới.

Về đối ngoại, ông Trump đề cao quan điểm "nước Mỹ trên hết", dọa rút Mỹ khỏi NATO, tuyên bố có thể chấm dứt chiến sự Ukraine trong 24 giờ. Còn bà Harris muốn củng cố NATO, tăng cường quan hệ đồng minh, cam kết hỗ trợ Ukraine đến cùng.

Trump - Harris tranh luận trực tiếp lần đầu vào tối 10/9 trong sự kiện do đài ABC tổ chức tại thành phố Philadelphia. Bà Harris có lợi thế đáng kể sau cuộc tranh luận, nhưng thời kỳ "trăng mật" không kéo dài lâu.

Đến tháng 10, tỷ lệ ủng hộ bà bắt đầu chững lại và dần đi ngang. Kết quả các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump - Harris đang tương đương nhau trên toàn quốc. Một số nhà bình luận cho hay đây là cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngọc Ánh (Theo AP, BBC)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan