Nỗ lực 'chữa cháy' của Elon Musk khi thăm Israel

Elon Musk tới thăm Israel sau khi hứng chỉ trích nặng nề về lập trường bài Do Thái, khiến doanh nghiệp của ông có nguy cơ thiệt hại 75 triệu USD.

Khi tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk tới Israel hồi đầu tuần, chuyến thăm được tổ chức không khác gì hoạt động của một chính khách nước ngoài đến thị sát vùng chiến sự.

Khoác áo giáp chống đạn trước ngực, Musk được Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đứng đầu chính phủ thời chiến của Israel, dẫn tới thăm làng Kfar Aza, một trong những địa điểm bị Hamas tấn công ngày 7/10. Tỷ phú Mỹ còn được giới chức Israel cho xem hình ảnh và video tư liệu về hành động tấn công của các tay súng Hamas vào ngôi làng.

Musk còn có cuộc họp riêng với ông Netanyahu và phát trực tiếp trên X, mạng xã hội được tỷ phú 52 tuổi mua lại năm 2022. Trong cuộc họp, Musk gợi ý để Israel sử dụng Strarlink, mạng lưới hàng nghìn vệ tinh thuộc công ty SpaceX có thể cung cấp Internet tốc độ cao trên toàn thế giới.

Ông cũng cam kết chuyển lợi nhuận quảng cáo từ những nội dung liên quan đến nạn nhân Israel và Dải Gaza thành quỹ hỗ trợ mọi bệnh viện tại hai vùng đất này.

1 No Luc Chua Chay Cua Elon Musk Khi Tham Israel

Tỷ phú Elon Musk (trái) đi cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) thăm Kibbutz Aza gần biên giới Dải Gaza ngày 27/11. Ảnh: AFP

"Tất cả dường như được sắp đặt cho ống kính truyền hình ghi lại. Ông ấy đang nỗ lực chữa cháy nhằm cứu vớt mối quan hệ với loạt đối tác quảng cáo lớn", Imran Ahmad, nhà sáng lập và CEO Trung tâm Chống Nội dung thù hận Kỹ thuật số, tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ, nhận định.

Elon Musk đặt chân đến Israel giữa lúc tham vọng biến X thành một nền tảng sinh lời, thậm chí đủ sức cạnh tranh với mọi siêu ứng dụng mạng xã hội khác, đang đối diện sóng gió vì cáo buộc dung dưỡng nội dung phân biệt chủng tộc. Giới quan sát cho rằng những hành động có phần bốc đồng của tỷ phú này đã khiến khó khăn thêm chồng chất với X.

Hơn một tuần trước khi đến Israel, Elon Musk vấp phải chỉ trích gay gắt vì ủng hộ một bài đăng trên X cổ súy thuyết âm mưu "Đại Thay thế". Tài khoản này bình luận rằng "các cộng đồng Do Thái đã thúc đẩy tư tưởng thù hận người da trắng, trong khi muốn mọi người ngừng dùng tư duy này nhắm vào mình". Musk phản hồi "bạn đã nói sự thật" dưới bài đăng, song không lâu sau đã xóa bình luận.

Thuyết âm mưu "Đại Thay thế" cho rằng các nhóm thiểu số, trong đó có người Do Thái và các nhóm có đặc quyền xã hội cao, đang âm thầm thay thế cộng đồng người da trắng bình dân ở Mỹ và châu Âu bằng người nhập cư da màu, nhằm mục tiêu tối thượng là tước đoạt quyền lực và xóa sổ người da trắng.

Trước đó, Media Matters for America (MMA), tổ chức giám sát truyền thông thiên tả tại Mỹ, đã công bố báo cáo cho thấy mạng xã hội X đặt quảng cáo cạnh những nội dung kích động thù hận và phân biệt chủng tộc. Hai diễn biến này khiến hàng loạt tập đoàn lớn tại Mỹ như Apple, IBM, Disney, Lions Gate đã rút hoặc tạm ngừng quảng cáo trên mạng xã hội của Musk.

Nhà Trắng ngày 17/11 cũng lên tiếng cáo buộc Musk "lặp lại thuyết âm mưu sai lệch", có hành động "truyền bá chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, đi ngược lại các giá trị cốt lõi của người Mỹ".

"Không thể chấp nhận được điều này, khi nó diễn ra một tháng sau ngày chết chóc nhất với người Do Thái kể từ thảm kịch Holocaust", phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates nói, đề cập đến cuộc đột kích của Hamas vào Israel ngày 7/10 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.

Đứng trước làn sóng chỉ trích và nguy cơ mất nguồn thu từ quảng cáo của các tập đoàn lớn, Musk vội vàng đến thăm Israel. Tuy nhiên, những gì diễn ra "giống một thương vụ hơn là nỗ lực hàn gắn", theo Nora Benavidez, luật sư cấp cao và giám đốc Quỹ Hành động Tự do Báo chí, tổ chức tư vấn về quyền dân sự và bình đẳng trên mạng tại Mỹ.

Esther Solomon, tổng biên tập Haaretz, tờ báo thiên tả tại Israel, cũng bày tỏ bất bình với cách ông Netanyahu tay bắt mặt mừng chào đón Elon Musk. Bà cho rằng tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi "đáng lẽ phải bị xem là người không được hoan nghênh" ở Israel sau những bình luận "bài xích Do Thái trắng trợn".

"Thay vì vậy, ông Netanyahu lại chọn tặng cho Musk món quà là chuyến thăm làm đẹp hình ảnh, ngay tại một ngôi làng từng bị Hamas tàn phá", Solomon bày tỏ phẫn nộ, gọi Thủ tướng Israel và tỷ phú Mỹ đều là những người "vụ lợi".

Chuyên gia Imran Ahmad cũng cho rằng chuyến thăm dường như là "kế hoạch làm đẹp hình ảnh" cho một tỷ phú đang đối mặt nhiều rắc rối vì quan điểm của mình. Ông nhận định những lời hứa hẹn hỗ trợ Israel mà Musk đưa ra là nỗ lực lái sự chú ý của dư luận ra khỏi thực tế rằng nền tảng mạng xã hội X của ông đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nội dung bài xích Do Thái và bản thân tỷ phú Mỹ từng có nhiều phát ngôn ủng hộ thuyết âm mưu.

"Musk từng có xu hướng chặn những thông điệp ông không thích và tương tác với những tiếng nói cực đoan. Giờ đây, khi Musk có khả năng kiểm soát quyền truy cập Internet ở các vùng chiến sự thông qua hệ thống Starlink, mối lo ngại về ông ấy càng lớn hơn, vượt khỏi câu chuyện điều tiết nội dung trên nền tảng của mình", Nora Benavidez bình luận.

Musk từng thể hiện điều này trong chiến sự Ukraine. Ông từng hào phóng cung cấp thiết bị và dịch vụ Starlink cho Ukraine, nhưng đã quyết định chặn kết nối xung quanh bán đảo Crimea vì không muốn chúng được Ukraine dùng để điều khiển xuồng tự sát không người lái, điều mà Musk lo ngại sẽ "chọc giận" Nga. Musk đã bảo lưu quan điểm này bất chấp sự khẩn nài của Ukraine và thái độ tức giận của các nước phương Tây.

2 No Luc Chua Chay Cua Elon Musk Khi Tham Israel  Elon Musk mặc áo giáp thăm làng biên giới Israel

Tỷ phú Mỹ Elon Musk và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm làng Kfar Azza hôm 27/11. Video: GPO

Tỷ phú công nghệ cũng nhiều lần thể hiện quan điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội, khi tương tác với những nhà bình luận và nội dung chính trị bảo thủ lẫn cực hữu trên X.

Hồi tháng 10/2022, ông chia sẻ thuyết âm mưu về vụ tấn công nhắm vào Paul Pelosi, chồng của nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi, người khi đó còn là chủ tịch Hạ viện Mỹ. Thuyết âm mưu bịa đặt này xuất phát từ một trang tin giả, mạo danh Los Angeles Times, nói rằng Paul Pelosi bị một "trai bán hoa" tấn công sau khi hai người gặp nhau tại quán bar đồng tính. Musk xóa bài viết vài tiếng sau khi đăng tải.

Ông chủ mạng xã hội X cũng từng công kích tỷ phú George Soros, một trong những doanh nhân đã trở thành mục tiêu quen thuộc của các thuyết bài xích người Do Thái. Lần gần nhất vào tháng 5, Musk châm biếm rằng ông Soros "ghét nhân loại".

Vào giữa năm nay, Musk phủ nhận bằng chứng cho thấy nghi phạm xả súng khiến 8 người chết ở Texas là kẻ có tư tưởng phát xít, bình luận sự kiện này là "sự dàn xếp kém thuyết phục". Khi bị chất vấn trên đài CNBC, tỷ phú nói ông sẵn sàng chấp nhận bị phạt tiền, miễn là "được nói những gì mình muốn".

Khi làn sóng chỉ trích ông về bài đăng bài xích Do Thái hôm 15/11 tăng nhiệt, Musk ban đầu còn tìm cách đổ lỗi cho truyền thông. Ông chỉ trích báo chí truyền thống đang tìm cách "phá hủy" X bằng mọi cách, cáo buộc những bài viết về lập trường chính trị của mình là sai sự thật.

"Tôi chỉ muốn những điều tốt nhất cho nhân loại, một tương lai thịnh vượng và nhiều hứa hẹn cho mọi người", ông viết trên tài khoản cá nhân.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chuyến thăm Israel đầu tuần này đã cho thấy Musk dường như bắt đầu lo sợ công ty của mình mất tiền, còn bản thân mất thể diện vì những phát biểu thiếu kiểm chứng. X có nguy cơ mất 75 triệu USD doanh thu quảng cáo trong năm nay, sau khi hàng loạt đối tác ngừng kế hoạch quảng bá trên nền tảng này.

"Sau khi Musk tương tác với nội dung gây tranh cãi đó, ông ấy rõ ràng nhận ra mình cần một hành động đột phá để chữa cháy và cứu vãn hình ảnh cá nhân", Emerson Brooking, nghiên cứu viên cấp cao tại Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật số, thuộc tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá. "Đó là lúc quyết định đến thăm Israel được đưa ra".

Thanh Danh (Theo Hill, Hareetz, BNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan