Tổng thống Phần Lan kêu gọi mở rộng số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và xóa bỏ cơ chế phủ quyết.
"Không nên để quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phát biểu hôm 17/9.
Ông Stubb cho biết sẽ đề xuất mở rộng số thành viên thường trực Hội đồng Bảo an từ 5 lên 10, bổ sung một thành viên từ Mỹ Latin, hai nước châu Phi và hai thành viên châu Á. Lãnh đạo Phần Lan cũng cho rằng mọi quốc gia thành viên thường trực "tham gia cuộc chiến phi pháp" đều phải bị loại khỏi Hội đồng Bảo an.
"Thông điệp cơ bản của tôi là nếu các quốc gia Nam Toàn cầu (khái niệm chỉ các nước đang phát triển), Mỹ Latin, châu Phi, châu Á không có tiếng nói trong thể chế, họ sẽ quay lưng với Liên Hợp Quốc. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra", Tổng thống Phần Lan nhấn mạnh.
Tổng thống Phần Lan tại cuộc họp báo ở Warsaw, Ba Lan, ngày 10/9. Ảnh: AFP
Tổng thống Stubb thừa nhận các đề xuất trên "vượt xa những gì các nước thành viên nhỏ thường đề cập", nhưng chỉ ra rằng những cường quốc hàng đầu thế giới sẽ không đưa ra đề xuất có thể làm suy yếu ảnh hưởng của chính mình. "Họ chỉ nói, chứ chẳng hành động", ông cho hay và kỳ vọng kế hoạch này được thúc đẩy khi Liên Hợp Quốc tròn 80 năm vào năm tới.
Nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an là duy trì hòa bình toàn cầu, nhưng sự cạnh tranh địa chính trị đã khiến cơ quan này bế tắc trong nhiều vấn đề.
5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. Những nước này có quyền phủ quyết, có thể đơn phương chặn bất kỳ nghị quyết nào được đưa ra thảo luận. Hội đồng Bảo an còn có 10 thành viên không thường trực với nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết.
Mọi thay đổi về tư cách thành viên Hội đồng Bảo an đều cần được 2/3 thành viên Đại hội đồng ủng hộ, bao gồm cả 5 nước có quyền phủ quyết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi năm 2021 mô tả quy trình tại Hội đồng Bảo an là bất công và lỗi thời, khi "số ít quốc gia" kiểm soát thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó bác bỏ quan điểm, cho rằng bỏ quyền phủ quyết sẽ khiến Liên Hợp Quốc "trở nên vô nghĩa" và mất đi quyền lực.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET