Phó thủ tướng Campuchia: Kênh đào Phù Nam Techo ngăn lũ tràn sang Việt Nam

Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol chia sẻ thêm thông tin về kênh đào Phù Nam Techo khi gặp Phó thủ tướng Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Nhật Bản.

1 Pho Thu Tuong Campuchia Kenh Dao Phu Nam Techo Ngan Lu Tran Sang Viet Nam

Phó thủ tướng Lê Minh Khái gặp Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol ngày 23-5 bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Nhật Bản - Ảnh: PHNOM PENH POST

Theo báo điện tử Chính phủ ngày 24-5, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp song phương với Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol vào ngày 23-5.

Phó thủ tướng Campuchia chia sẻ thêm thông tin về kênh đào Phù Nam Techo

Trong cuộc gặp, hai phó thủ tướng khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo), phù hợp với quan hệ hữu nghị và các quy định liên quan của Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC).

Với tinh thần đó, Phó thủ tướng mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin về dự án và đánh giá tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của lưu vực sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực và vì lợi ích người dân.

Báo Phnom Penh Post ngày 24-5 dẫn thông cáo báo chí của Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cho biết trong cuộc gặp, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã chia sẻ thêm cho Phó thủ tướng Lê Minh Khái về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Theo thông cáo, Phó thủ tướng đồng thời là Phó chủ tịch thứ nhất CDC Sun Chanthol cho biết dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp giảm lũ lụt ở 5 tỉnh của Campuchia và ngăn chặn nước lũ tràn sang Việt Nam.

Kênh đào này sẽ có 3 cửa cống ở tỉnh Kandal, Takeo và Kep để đảm bảo nước mặn không thể xâm nhập vào mạng lưới nước ngọt.

Cách xây dựng kênh đào sẽ giúp dễ dàng xác định tổng lượng và lưu lượng nước ngọt đổ ra biển, do đó sẽ tránh được mọi tác động tiêu cực đến môi trường ở cả Campuchia và các nước láng giềng - ông Chanthol chia sẻ thêm.

2 Pho Thu Tuong Campuchia Kenh Dao Phu Nam Techo Ngan Lu Tran Sang Viet Nam

Phối cảnh 3D dự án kênh đào Phù Nam Techo do Bộ Giao thông công chánh Campuchia công bố - Ảnh: Chính phủ Campuchia

"Dự án này sẽ giúp duy trì tính bền vững của môi trường, hệ sinh thái và tạo ra các loại môi trường sống đa dạng, hữu ích cho sự sinh tồn của nhiều loài động vật thủy sinh, thực vật và cá. Dự án cũng sẽ làm giảm lũ lụt ở 5 tỉnh của Campuchia và ngăn nước lũ từ Campuchia chảy vào Việt Nam", phó thủ tướng Campuchia giải thích.

Ông Chanthol dẫn một nghiên cứu chi tiết cho thấy lưu lượng nước hiện nay từ sông Mekong ra biển khoảng 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây, trong khi dự án kênh đào Funan Techo chỉ là 5 mét khối/giây, tương đương khoảng 0,053%.

Phó thủ tướng Campuchia chia sẻ rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ được đào dọc theo các tuyến đường thủy tự nhiên và cổ xưa đã được sử dụng từ thời Vương quốc Phù Nam cổ đại.

Ông Chanthol cũng cho biết Campuchia đã nghiên cứu chi tiết dự án trong hơn hai năm, với sự tham gia của 48 chuyên gia kỹ thuật cao cấp. Trong đó có 11 giáo sư khoa học và 37 kỹ sư hàng đầu thế giới với nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan như phân tích thủy văn, bơm và phục hồi kênh đào, thiết kế xây dựng đường thủy và giảm thiểu tác động môi trường.

Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến dài 180km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.

Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến khoảng 1,7 tỉ USD. Thời gian xây dựng khoảng 4 năm và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người sống dọc theo kênh và tạo ra nhiều lợi ích khác cho sự phát triển quốc gia.

Trong thông điệp đặc biệt hôm 16-5, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen, người từng là thủ tướng Campuchia, khẳng định kênh đào Phù Nam Techo "không thể tiếp nhận những con tàu" như tàu chiến của Trung Quốc, bác bỏ những nghi ngại xoay quanh vấn đề này.

Ông cũng đưa ra kêu gọi khẩn trương tiến hành xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vì nền kinh tế quốc dân và chấm dứt dư luận liên quan đến kênh đào này.

Tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - Campuchia

Tại cuộc gặp Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chúc mừng Campuchia đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội dưới sự trị vì của Quốc vương Norodom Sihamoni, sự dẫn dắt của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen đứng đầu và sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Hun Manet.

Ông Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng nhận thấy hợp tác hai nước thời gian qua giữ vững đà phát triển ổn định với hợp tác kinh tế là điểm sáng, kim ngạch thương mại tăng trưởng vượt bậc trong quý 1 năm 2024.

Ông nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, gắn bó và hy sinh cho nhau luôn là tài sản vô giá giữa hai dân tộc.

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol trân trọng chuyển lời chúc mừng nhiệt liệt tới Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa được Quốc hội Việt Nam bầu chọn vào cương vị mới.

Ông Chanthol cho rằng để đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 20 tỉ USD, hai nước cần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và Chính phủ Campuchia khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa vào Campuchia.

Hai phó thủ tướng nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có cuộc gặp cấp cao hai Đảng và tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế hợp tác song phương.

THANH HIỀN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan