Romania tiêu hủy gần 500 con gấu nâu sau cái chết của nữ du khách 19 tuổi

Ngày 15-7, Quốc hội Romania đã quyết định tiêu hủy gần 500 con gấu nâu, gấp đôi số lượng năm ngoái, sau khi một nữ du khách thiệt mạng vì bị gấu tấn công.

1 Romania Tieu Huy Gan 500 Con Gau Nau Sau Cai Chet Cua Nu Du Khach 19 Tuoi

Một con gấu tại thị xã Covasna, Romania đang đợi xe đi qua để được cho ăn - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Đài CBS, một con gấu đã tấn công và làm một nữ du khách 19 tuổi thiệt mạng tại dãy núi Carpathian, Romania hồi tuần trước.

Vụ việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ tại quốc gia này.

Tờ Daily Mail xác nhận danh tính vị khách du lịch xấu số trên là Maria Diana, 19 tuổi. Cô Diana bị gấu tấn công khi đang trong chuyến đi bộ đường dài cùng bạn trai.

“Từ thông tin chúng tôi có được, nạn nhân bị một con gấu tấn công trên đường mòn. Sau đó nó kéo lê cô ấy xuống một khu vực rậm rạp cây cối và đẩy cô ấy xuống vực thẳm”, người đứng đầu dịch vụ cứu hộ núi Romania Sabin Corniou cho biết.

Con gấu này sau đó đã bị tiêu diệt khi cố tấn công lực lượng cứu hộ.

Theo Bộ Môi trường Romania, hiện có khoảng 8.000 con gấu nâu đang sinh sống tại Romania, biến quốc gia này trở thành nơi có số lượng gấu nâu lớn nhất châu Âu, chỉ sau Nga.

Tính đến đầu năm 2024, cơ quan này ghi nhận 26 người chết và 274 trường hợp bị thương nặng do gấu tấn công tại Romania trong vòng 20 năm qua.

Sau cái chết của nữ du khách 19 tuổi, Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu nhanh chóng triệu tập các nhà lập pháp trở lại sau kỳ nghỉ hè để tham dự phiên họp khẩn cấp của Quốc hội.

Bên cạnh việc thông qua điều luật kiểm soát số lượng gấu nâu tại Romania, Quốc hội còn dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nạn nhân xấu số.

Quyết định tiêu diệt gần 500 con gấu của Quốc hội Romania đã vấp phải sự lên án của các nhóm bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã, việc tiêu diệt gấu sẽ không giải quyết được tình trạng gấu tiếp tục kiếm ăn ở các thành phố lớn, bởi quá trình đô thị hóa khiến môi trường sống trước đây của loài vật này bị thu hẹp.

Ngoài ra biến đổi khí hậu khiến nguồn thức ăn của gấu giảm đi. Đồng thời việc người dân tiếp tục cho chúng ăn sẽ thu hút loài này tiếp cận các khu dân cư.

Trao đổi với Hãng tin AFP, nhà nghiên cứu sinh vật học Calin Ardelean từ Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho rằng quyết định vừa phê chuẩn sẽ “không thay đổi được vấn đề”.

Theo ông Ardelean, trọng tâm nên được giải quyết theo hướng “can thiệp và phòng ngừa”.

Thay vì tiêu hủy số lượng lớn gấu, WWF khuyến nghị cơ quan chức năng nên tập trung vào các biện pháp như cách ly gấu khỏi cộng đồng, quản lý chất thải hiệu quả và kêu gọi người dân không cho gấu ăn.

HÀ ĐÀO

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan