Tàu hải quân của Hoàng gia New Zealand đã mắc cạn và chìm ngoài khơi Samoa khi đang khảo sát rạn san hô.
Hình ảnh con tàu Manawanui chìm ngoài khơi Samoa - Ảnh: RNZ
Theo Hãng tin Reuters, tàu hải quân của Hoàng gia New Zealand HMNZS Manawanui đã mắc cạn và chìm ngoài khơi Samoa vào tối 5-10 (giờ địa phương). Rất may mắn cả 75 thủy thủ và hành khách trên tàu đều an toàn.
Con tàu thường xuyên được sử dụng cho việc lặn và khảo sát thủy văn quanh khu vực New Zealand và tây nam Thái Bình Dương.
Tàu hải quân New Zealand trị giá 61 triệu USD chìm ngoài khơi Samoa
Chuẩn đô đốc Shane Arndell, chỉ huy bộ phận hải quân của lực lượng quốc phòng New Zealand - chia sẻ trong một tuyên bố rằng con tàu đã mắc cạn ở gần bờ phía nam của đảo Upolu (Samoa) khi đang thực hiện khảo sát rạn san hô.
Ông Arndell cho biết đã có nhiều tàu xung quanh khu vực phản ứng và hỗ trợ giải cứu thủy thủ đoàn cùng hành khách khi họ rời tàu bằng xuồng cứu sinh.
Một máy bay P-8A Poseidon của không quân Hoàng gia New Zealand cũng được triển khai để hỗ trợ cứu hộ. Hiện nguyên nhân khiến con tàu mắc cạn vẫn đang được điều tra và làm rõ.
Theo nhiều đoạn phim và hình ảnh được công bố trên các phương tiện truyền thông về vụ chìm tàu, con tàu Manawanui, được đóng vào năm 2018 với kinh phí khoảng 61 triệu USD, đã bị nghiêng mạnh và có những cột khói xám dày bốc lên sau khi mắc cạn.
Con tàu sau đó đã bị lật úp và chìm hoàn toàn vào 9h sáng ngày 6-10 (giờ địa phương) sau khi công tác cứu hộ hành khách và thủy thủ đoàn hoàn thành.
Lực lượng quốc phòng New Zealand cho biết họ đang “phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm rõ tác động của vụ chìm tàu đến môi trường và cố gắng để giảm thiểu hậu quả”.
Chuẩn đô đốc Garin Golding chia sẻ trong cuộc họp báo tại thành phố Auckland (New Zealand) rằng một máy bay sẽ khởi hành đến Samoa vào ngày 6-10 để đưa thủy thủ đoàn và hành khách trở về New Zealand.
Vụ mắc cạn và chìm của con tàu Manawanui được Bộ trưởng Quốc phòng Judith Collins đánh giá là “thách thức lớn đối với những người đã có mặt trên tàu”.
“Tôi biết sẽ mất nhiều thời gian để xử lý những gì đã xảy ra. Tôi mong muốn có thể xác định chính xác nguyên nhân vụ việc để chúng ta có thể rút ra bài học từ đây và tránh lặp lại nó trong tương lai”, bà chia sẻ trong buổi họp báo, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm trước mắt là trục vớt “những gì còn lại” của con tàu.
Hiện hoạt động cứu hộ được điều phối bởi các dịch vụ khẩn cấp Samoa và lực lượng quốc phòng Úc với sự hỗ trợ của trung tâm cứu hộ New Zealand.
HÀ ĐÀO
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online