Tình báo Ukraina: Bắc Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với Kiev

Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina Kyrylo Boudanov, hôm 14/09/2024, khẳng định trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, « Bắc Triều Tiên hiện là vấn đề lớn nhất » đối với chính quyền Kiev, do Bình Nhưỡng là nguồn cung cấp đạn dược « mạnh mẽ nhất » cho Matxcơva.

1 Tinh Bao Ukraina Bac Trieu Ten La Moi De Doa Lon Nhat Doi Voi Kiev

Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Sergei Shoigu hội đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 13/09/2024 tại Bắc Triều Tiên. AP

« Trong số tất cả các đồng minh của Nga, vấn đề lớn nhất mà Kiev phải đối mặt xuất phát từ Bắc Triều Tiên, do khối lượng vũ khí nước này cung cấp cho Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ chiến tranh » trên các mặt trận tại Ukraina.

Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina, Kyrylo Boudanov, tuyên bố như trên trong khuôn khổ hội thảo về chiến lược châu Âu, Yalta European Strategy – tổ chức tại thủ đô Kiev vào hôm qua.

Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm quan chức này nhấn mạnh « Bình Nhưỡng cung cấp một số lượng đạn pháo rất lớn » cho Nga để phục vụ cuộc chiến do Matxcơva khởi động. Đây là một điểm hết sức « nguy hiểm » đối với Ukraina. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga nhưng với số lượng thấp hơn nên Kiev « không lo sợ bằng ».

Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tên lửa cho Nga, điều mà chế độ Bình Nhưỡng một mực bác bỏ. Tuy nhiên AFP nhắc lại rằng theo điều tra của tổ chức Conflict Armement Research, những mảnh vỡ tên lửa thu thập được trên chiến trường Ukraina cho phép xác định đó là tên lửa do Bắc Triều Tiên chế tạo.

Cũng trong phát biểu hôm qua tại hội nghị về chiến lược cho châu Âu, tướng Boudanov tiết lộ rằng Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo Iskanda và đã nhiều lần sử dụng bom bay nhắm vào những mục tiêu dân sự và quân sự trên lãnh thổ Ukraina.

Điểm đáng chú ý cuối cùng được lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina nêu ra liên quan đến khả năng Matxcơva dự trù chấm dứt chiến tranh Ukraina « trước năm 2026 » tránh để cuộc chiến kéo dài làm suy yếu kinh tế Nga.

Các tuyên bố trên được đưa ra vào lúc Anh, Mỹ và cả Đức đều loại trừ khả năng cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa để nhắm vào sâu trong lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, điều này không cấm cản tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden khẳng định « quyết tâm » từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tăng cường sức mạnh cho Ukraina để đương đầu với Nga.

NATO thì lấy làm tiếc là « nhẽ ra Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn ngừa chiến tranh Ukraina ».

RFI Tiếng Việt

Bài liên quan