Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc phát khoảnh khắc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp - Ảnh: YTN
Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trong bài phát biểu không báo trước được phát trực tiếp trên kênh truyền hình YTN, tuyên bố ông sẽ xóa bỏ "các thế lực chống nhà nước hèn hạ ủng hộ Triều Tiên".
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc. Động thái bất ngờ này đã gây chấn động khắp xứ sở kim chi.
Quân đội Hàn Quốc tiến vào tòa nhà Quốc hội
Quân đội Hàn Quốc tập trung tại khu phức hợp Quốc hội, tìm cách vào cổng chính. Hình ảnh vào rạng sáng 4-12 (giờ Hàn Quốc) - Ảnh: YONHAP
Yonhap tường thuật các lực lượng thực thi thiết quân luật của Hàn Quốc đang nỗ lực tiến vào trụ sở Nhà Quốc hội và thiết lập hàng rào chắn. Xung quanh tòa nhà, xe cảnh sát cùng nhiều binh sĩ đã bao vây, ngăn cản người dân và cả các nhà lập pháp tiến vào bên trong.
Tổng thống Yoon trước đó cáo buộc phe đối lập đang âm mưu lật đổ nền dân chủ của đất nước. Ông thẳng thừng mô tả: "Giờ đây, Quốc hội của chúng ta đã trở thành sào huyệt của các nhóm tội phạm, và chúng đang âm mưu làm tê liệt hệ thống tư pháp và hành chính của đất nước thông qua chế độ độc tài lập pháp và lật đổ hệ thống dân chủ tự do".
Quân đội Hàn Quốc tiến vào tòa nhà Quốc hội sau lệnh thiết quân luật tối 3-12 - Nguồn: SBS
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc lên tiếng
Chế độ khẩn cấp đã được bật lên tại khắp các cơ quan công quyền ở Hàn Quốc, đặc biệt tại trung tâm đầu não của Seoul. Tòa án tối cao nhóm họp khẩn cấp trong đêm 3-12.
Cũng trong đêm, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik tuyên bố Quốc hội sẽ có biện pháp đối phó với thiết quân luật theo các quy định của luật pháp trong ngày 4-12, bất chấp họ đã bị ngăn cản tiến vào theo quy định đã có hiệu lực.
"Tôi yêu cầu người dân hãy tin tưởng vào Quốc hội và bình tĩnh theo dõi tình hình. Tôi hy vọng rằng tất cả các thành viên Quốc hội sẽ ngay lập tức tập trung tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu quân đội và cảnh sát giữ nguyên vị trí của mình và không được kích động", ông nhấn mạnh.
Đảng Dân chủ của ông Woo đang kiểm soát 170 ghế tại Quốc hội gồm 300 ghế của Hàn Quốc. Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon chỉ có 108 ghế.
Thị trưởng Seoul: Phải rút lại thiết quân luật
Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon tuyên bố phản đối thiết quân luật và yêu cầu dỡ bỏ tình trạng này. Trong tuyên bố rạng sáng 4-12 (giờ Hàn Quốc), ông Oh nhấn mạnh: "Với tư cách là thị trưởng, tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ cuộc sống hằng ngày của người dân".
Lãnh đạo phe đối lập của Hàn Quốc Lee Jae Myung trước đó đã lên án thiết quân luật, mô tả đây là hành động "vi hiến". "Xin hãy đến Quốc hội ngay bây giờ. Tôi cũng sẽ đến đó", ông nói thêm, kêu gọi người dân cùng ông phản đối thiết quân luật.
Quốc hội Hàn Quốc khai mạc phiên toàn thể bất thường trong đêm
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik tuyên bố khai mạc phiên toàn thể bất thường lúc 0h47 ngày 4-12 (giờ Hàn Quốc, tức 22h47 ngày 3-12 theo giờ Việt Nam).
"Không một người dân nào mong đợi tình huống này và rất khó để thống nhất về việc có nên áp dụng thiết quân luật hay không. Quốc hội cũng muốn ứng phó vấn đề này một cách khẩn cấp", ông Woo giải thích.
Không có thông tin về việc có bao nhiêu nghị sĩ Hàn Quốc đã tham dự, theo hình thức nào và tại đâu khi Nhà Quốc hội Hàn Quốc đã bị lực lượng thực thi thiết quân luật phong tỏa.
Hiến pháp Hàn Quốc quy định: "Khi Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật với sự chấp thuận của đa số nghị sĩ đã đăng ký, Tổng thống sẽ dỡ bỏ nó". Nếu phiên họp toàn thể được tổ chức, Đảng Dân chủ đối lập với 170/300 ghế mới đủ sức yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.
"Không có lựa chọn khác ngoài thiết quân luật"
Video Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp
Trước đó, trong thông báo ban bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon không nêu cụ thể mối đe dọa nào từ Triều Tiên - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, thay vào đó bài phát biểu tập trung vào các đối thủ chính trị trong nước của ông.
Tổng thống Yoon giải thích ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dùng đến biện pháp như vậy để bảo vệ trật tự. Ông cáo buộc các đảng đối lập tại Quốc hội nước này cố đẩy đất nước vào khủng hoảng.
"Tôi tuyên bố thiết quân luật để bảo vệ Cộng hòa Hàn Quốc khỏi mối đe dọa từ các lực lượng Triều Tiên, để xóa bỏ các lực lượng chống nhà nước hèn hạ thân Triều Tiên đang tước đoạt sự tự do và hạnh phúc của người dân chúng ta, và để bảo vệ trật tự hiến pháp tự do" - ông Yoon cho biết.
Cảnh sát Hàn Quốc đứng chắn tại cổng chính tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc ở thủ đô Seoul vào rạng sáng ngày 4-12, ngay sau khi tổng thống nước này ban hành lệnh thiết quân luật - Ảnh: AFP
Ông Yoon không nêu rõ ngay những lực lượng chống nhà nước và thân Triều Tiên là lực lượng nào. Nhưng trước đây ông từng đề cập tới những lực lượng như vậy, cáo buộc họ cản trở chương trình nghị sự của ông và phá hoại đất nước.
Hãng tin Yonhap tường thuật lối vào tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc đã bị chặn lại. Trong lúc đó, một số nhân vật đối lập đã lên tiếng.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập vốn chiếm đa số trong Quốc hội Hàn Quốc Lee Jae Myung cho rằng lệnh thiết quân luật là "vi hiến". "Xe tăng, xe bọc thép chở quân nhân và những binh sĩ cầm súng và dao sẽ cai trị đất nước này", ông phát biểu trong buổi phát trực tiếp. "Nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ sụp đổ không thể cứu vãn".
Cảnh sát Hàn Quốc đứng chắn tại cổng chính tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc ở thủ đô Seoul vào rạng sáng ngày 4-12, ngay sau khi tổng thống nước này ban hành lệnh thiết quân luật - Ảnh: AFP
Cấm mọi hoạt động chính trị trong thời gian thiết quân luật
Chỉ huy thiết quân luật, tướng Park An Su, xác nhận tất cả các hoạt động chính trị đều bị cấm ở Hàn Quốc sau khi thiết quân luật được áp dụng. Đồng thời, tất cả các phương tiện truyền thông, ấn phẩm các loại sẽ phải chịu sự giám sát của chính phủ.
"Tất cả các hoạt động chính trị, bao gồm cả hoạt động của Quốc hội, hội đồng địa phương, các đảng phái chính trị và các hiệp hội chính trị, cũng như các cuộc họp và biểu tình, đều bị nghiêm cấm", ông Park An Su nói thêm.
Theo Hãng tin AFP, các cảnh quay trên truyền hình Hàn Quốc cho thấy trực thăng đáp trên nóc tòa nhà Quốc hội nước này.
Trực thăng bay trên bầu trời sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật. Ảnh chụp tại Seoul, Hàn Quốc khi bước sang ngày 4-12 (giờ địa phương) - Ảnh: REUTERS
Người dân phản ứng khi cảnh sát đóng cổng Quốc hội, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật. Ảnh chụp tại Seoul ngày 4-12 theo giờ địa phương - Ảnh: REUTERS
Cảnh sát đứng gác trước cổng vào Quốc hội Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật tại Seoul, Hàn Quốc ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS
Sau thông báo thiết quân luật, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Bộ trưởng Kim Yong Hyun đã ra lệnh triệu tập cuộc họp các chỉ huy chủ chốt và yêu cầu tăng cường cảnh giác. Ông Kim Yong Hyun cũng lệnh cho quân đội Hàn Quốc duy trì trạng thái bảo vệ khẩn cấp.
Mỹ theo sát tình hình tại Hàn Quốc
Tối 3-12, ngay sau khi thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc, Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang theo dõi sát sao tình hình.
Hàn Quốc là một đồng minh hiệp ước của Mỹ từ năm 1953. Hiện có khoảng 24.000 binh sĩ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, thuộc nhiều quân chủng, trong đó đông nhất là Lục quân.
Người Việt tại Hàn Quốc: Chờ xem tình hình
Chị Đỗ Thị Song Hảo (24 tuổi), du học sinh Việt Nam tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cho biết hiện khu vực chị sinh sống vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu gì khác với thường ngày.
Chị chia sẻ thêm, thời gian qua, tình hình mâu thuẫn chính trị giữa các đảng phái và các cuộc biểu tình của người dân Hàn Quốc phản đối một số chính sách chính phủ vẫn thường xuyên diễn ra.
Trước mắt, chị chưa biết thiết quân luật sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mình như thế nào. Điều này cần đợi khi trời sáng, mọi người bắt đầu xuống đường thì mới rõ được.
Hiện chị quan tâm nếu tình hình leo thang thì Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc sẽ có phương án hỗ trợ, bảo hộ công dân như thế nào.
Lệnh thiết quân luật được giữ kín tới phút chót
Sau khi tin tức ban bố tình trạng thiết quân luật được Tổng thống Yoon công bố, các phóng viên của Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã liên lạc qua điện thoại với các quan chức chính quyền trung ương.
Hầu hết các quan chức đều tỏ ra bối rối như "Tôi không biết anh/chị đang nói về điều gì" và "Tin này có thật không vậy?".
Một công chức cấp cao tại một cơ quan trung ương bày tỏ bất ngờ và cho hay không có thảo luận nào trước đó về tình trạng thiết quân luật. "Hiện tại chúng tôi vẫn đang ở chế độ chờ khẩn cấp. Các quan chức cấp cao hơn sẽ cố gắng thảo luận vấn đề này qua điện thoại trong sáng 4-12", vị này nói thêm.
Toàn văn lệnh thiết quân luật
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật trong bài phát biểu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS
"Để bảo vệ nền dân chủ tự do khỏi mối đe dọa lật đổ chế độ Đại Hàn Dân Quốc bởi các thế lực phản quốc đang hoạt động tại Đại Hàn Dân Quốc và để bảo vệ sự an toàn của người dân, tuyên bố sau đây sẽ có hiệu lực trên toàn Đại Hàn Dân Quốc kể từ 23h ngày 3-12-2024:
1. Mọi hoạt động chính trị, bao gồm hoạt động của Quốc hội, hội đồng địa phương và các đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị, các cuộc mít tinh và biểu tình đều bị cấm.
2. Mọi hành vi phủ nhận hoặc cố gắng lật đổ hệ thống dân chủ tự do đều bị cấm, và tin tức giả mạo, thao túng dư luận và tuyên truyền sai sự thật đều bị cấm.
3. Mọi phương tiện truyền thông và ấn phẩm đều chịu sự kiểm soát của Bộ tư lệnh Thiết quân luật.
4. Cấm đình công, ngừng việc và mít tinh kích động hỗn loạn xã hội.
5. Tất cả nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ thực tập, đang đình công hoặc đã rời khỏi lĩnh vực y tế phải trở lại làm việc trong vòng 48 giờ và làm việc trung thực. Những người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo thiết quân luật.
6. Những công dân bình thường vô tội, ngoại trừ các lực lượng chống nhà nước và các lực lượng phá hoại khác, là đối tượng chịu các biện pháp giảm thiểu sự bất tiện trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Những người vi phạm tuyên bố trên có thể bị bắt, giam giữ và khám xét mà không cần lệnh theo điều 9 của Đạo luật thiết quân luật của Hàn Quốc (Đặc quyền của tư lệnh thiết quân luật), và sẽ bị trừng phạt theo điều 14 của Đạo luật thiết quân luật.
Tư lệnh thiết quân luật, Đại tướng Lục quân Park An Su,
Thứ ba, ngày 3-12-2024".
Được biết tuần này Đảng Dân chủ đối lập, đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội Hàn Quốc, đã đưa ra kiến nghị luận tội một số công tố viên hàng đầu của quốc gia Đông Bắc Á này. Tổng thống Yoon đã nhắc tới kiến nghị này và lưu ý Đảng Dân chủ đối lập cũng đã bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ.
Đầu tuần này, các bộ trưởng Hàn Quốc cũng đã phản đối động thái hồi tuần trước của Đảng Dân chủ đối lập nhằm cắt giảm hơn 4.000 tỉ won khỏi đề xuất ngân sách của chính phủ. Ông Yoon cho biết hành động đó hiện phá hoại chức năng cơ bản của chính phủ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online