Sáng sớm 2/9, ngày học sinh và sinh viên Ukraine bắt đầu năm học mới, Nga đã phóng 35 tên lửa và 23 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công về phía thủ đô Kiev và hai tỉnh Sumy, Kharkov.
Sáng đầu tiên của năm học mới, hai con trai của Anna Sushko có mặt trong hầm trú bom ở Kiev, tránh cuộc không kích của Nga.
"Chúng tôi đoán được Nga sẽ 'chúc mừng' năm học mới ở Ukraine bằng màn tấn công qua đêm, nên ở lại nhà bố mẹ vì có hầm trú bom", Sushko, người có hai con trai 6 tuổi và 7 tuổi, nói.
"Chúng tôi xuống hầm ngay khi chuông báo động vang lên. Tất nhiên là tôi nghe thấy mọi thứ và cố gắng đánh lạc hướng các con bằng phim hoạt hình. Các con tôi chỉ ngủ chưa đầy 4 tiếng trước khi tới trường", cô nói.
Học sinh lớp một hát quốc ca trong ngày đầu tiên của năm học mới dưới ga tàu điện ngầm ở Kharkov, ngày 2/9. Ảnh: AFP
Không quân Ukraine cho hay đã bắn hạ 9 tên lửa đạn đạo, 13 tên lửa hành trình và 20 UAV. Hàng loạt tiếng nổ lớn đánh thức cư dân thủ đô Kiev vào lúc 5h30 ngày 2/9.
Sergi Popko, giám đốc cơ quan quân sự thủ đô Kiev, cho biết mảnh vỡ từ tên lửa bị phá hủy rơi xuống 4 quận, làm ba người bị thương. Một số mảnh vỡ làm hư hỏng một nhà thờ Hồi giáo ở Kiev.
"Sáng nay, buổi sáng mà trẻ em tựu trường, cũng không phải ngoại lệ", trợ lý tổng thống Mykhaylo Podolyak lên án, cáo buộc Nga "cố tình tấn công dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng".
Bất chấp căng thẳng và một đêm thiếu ngủ, hai con trai của Sushko đã tới trường vào sáng 2/9, giống hàng nghìn trẻ em khác trên cả nước. Theo truyền thống, năm học mới của Ukraine bắt đầu vào Ngày tri thức 1/9. Năm nay, ngày này rơi vào chủ nhật nên thời gian tựu trường chuyển sang 2/9.
"Ai cũng hơi mệt mỏi nhưng nhìn chung mọi chuyện đều ổn", Sushko nói. Các con cô năm nay lên lớp một và lớp hai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof (giữa), gặp gỡ trẻ em trong ngày khai giảng ở vùng Zaporizhzhia. Ảnh: AFP
Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra nhiều thách thức to lớn đối với hệ thống trường học của Kiev. Kể từ 24/2/2022, 365 cơ sở giáo dục của Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn, hơn 3.400 cơ sở bị hư hỏng. Cuộc chiến cũng khiến hơn 570 trẻ em thiệt mạng và hơn 1.560 trẻ em bị thương.
Đợt không kích ngày 2/9 cũng không ngoại lệ, hai trường học ở trung tâm và phía tây Kiev cũng bị hư hại, vỡ cửa sổ. Bất chấp thiệt hại, các trường học vẫn mở cửa đón học sinh.
Không phải tất cả trẻ em Ukraine đều có cơ hội học tập ở trường. Nguy cơ từ các cuộc tấn công của Nga buộc 900.000 trẻ em phải học từ xa, bởi trường học có hầm trú bom mới được phép mở cửa.
Theo Liên Hợp Quốc, năm ngoái, 1/3 trẻ em Ukraine được học hoàn toàn tại trường, 1/3 học trực tuyến và 1/3 học theo hình thức kết hợp cả hai. Cuộc xung đột nổ ra sau hai năm học trực tuyến vì Covid-19, đồng nghĩa với việc rất nhiều trẻ em gần như chưa từng tới trường trong 4 năm.
Tổng thống Zelensky hồi cuối tháng 8 cam kết cố gắng mở cửa tất cả các cơ sở giáo dục để học sinh có thể tới trường. "Vấn đề là phải có sẵn hầm trú bom và hệ thống năng lượng ứng phó với thách thức hiện nay", ông nói.
Trong tuần cuối cùng của tháng 8, Nga liên tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, dẫn tới cắt điện thường xuyên. Trường học ở Kiev và những thành phố cách xa tiền tuyến dễ mở cửa đón học sinh hơn, so với những thành phố ở gần tiền tuyến và biên giới với Nga.
Cháu nội của bà Halyna Averyna ở Sumy năm nay lên lớp 12. Cậu bé không thể đến trường trong ngày 2/9, ngày tựu trường cuối cùng của cuộc đời học sinh. Tình hình an ninh ở tỉnh Sumy đang căng thẳng từ khi Ukraine bắt đầu đưa quân vào tỉnh Kursk, vùng lãnh thổ Nga, từ 6/8.
"Tại các thành phố ở Sumy, tất cả học sinh đều bắt đầu học trực tuyến", Averyna cho hay. "Trong buổi học đầu tiên, tiếng còi báo động không kích đã vang lên, buộc lớp học tạm dừng. Người Nga không thể không tặng quà cho chúng tôi vào ngày này".
"Tỉnh Sumy ngày nào cũng bị tấn công, nên con em chúng tôi buộc phải học trực tuyến cho tới khi tình hình khá hơn", bà nói thêm.
Trẻ em Ukraine dự lễ khai trường ở thành phố Lviv. Ảnh: AFP
Theo Averyna, cuộc chiến đã đánh cắp tuổi thơ của trẻ em Ukraine, tước đi cơ hội giao lưu xã hội của các em. "Học sinh tiểu học và bố mẹ các cháu là những người thiệt thòi nhất", bà nói.
Sushko, người đồng sáng lập một trường mẫu giáo và tiểu học ở ngoại ô Kiev, cho hay việc liên tục chịu đựng căng thẳng có thể ảnh hưởng tới trẻ em theo nhiều cách và gây các chứng rối loạn lo âu, giấc ngủ và ăn uống.
Tuy nhiên, bà Averyna vẫn lạc quan về tương lai trẻ em Ukraine. "Tôi hy vọng năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo Kiev Independent/AFP)