Trung Đông 'nóng' quanh Israel

Israel đang đối diện hàng loạt thách thức ngoại giao và cả nguy cơ xung đột quân sự cùng lúc sau những sự kiện chết người hôm đầu tuần.

1 Trung Dong Nong Quanh Israel

Tòa nhà Lãnh sự quán Iran, nằm cạnh Đại sứ quán Iran ở Syria, đổ sập với nghi vấn bị Israel không kích - Ảnh: REUTERS

Căng thẳng giữa Israel và Iran có bước leo thang nguy hiểm khi Israel bị cáo buộc không kích nhắm vào tòa nhà lãnh sự quán Iran tại quận Mezze, thủ đô Damascus của Syria. Vụ tấn công ngày 1-4 đã san bằng cả tòa nhà, làm ít nhất 7 quan chức Iran thiệt mạng. Đáng chú ý trong đó có tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), và Mohammad Hadi Haji Rahimi, một chỉ huy cấp cao khác.

Dễ lan rộng xung đột

Ông Zahedi, người từng chỉ huy các lực lượng mặt đất và không quân của IRGC, là nhân vật cao cấp nhất của Iran thiệt mạng vì các cuộc tấn công kiểu này kể từ năm 2020, thời điểm Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani ở Baghdad (Iraq).

Trong thời gian dài, tình báo Israel đã theo dõi ông Zahedi, người chịu trách nhiệm việc trang bị vũ khí và phối hợp với Hezbollah cũng như các nhóm tay súng thân Iran khác ở Lebanon và Syria. Thực tế lâu nay Israel vẫn đã tấn công các cơ sở quân sự của Iran ở Syria cũng như tại các nơi có tay súng thân Iran, nhưng vụ tấn công ngày 1-4 là lần đầu tiên có chuyện cả tòa nhà sứ quán bị nhắm bắn.

Phía Israel không tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công nhằm vào quan chức Iran ở Syria. Nhưng báo New York Times trích lời một số nguồn tin Chính phủ Israel không nêu tên xác nhận họ đứng sau đợt không kích.

Ngoài ra, ngày 2-4, Reuters dẫn lời một quan chức không nêu tên trong chính quyền Israel nhấn nhá khả năng Israel có màn đánh phủ đầu, các nhân vật Iran thiệt mạng nêu trên đã "đứng sau nhiều vụ tấn công vào tài sản của Israel và Mỹ, đồng thời lên kế hoạch cho nhiều vụ tấn công tiếp theo".

Iran và Syria khẳng định Israel là bên đứng sau vụ giết ông Zahedi. Trong phản ứng ngày 2-4, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh nước này sẽ trả đũa và không bỏ qua cho "tội ác hèn hạ" của Israel. Tương tự, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo Israel sẽ phải hối tiếc vì hành động trên.

Chưa rõ Iran sẽ đáp trả theo cách nào, nhưng đây là phản ứng không khó hiểu. Ngoài căng thẳng trong quá khứ, mối quan hệ giữa Iran và Israel càng tệ hơn sau khi Israel tấn công Dải Gaza để tiêu diệt tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine.

Tới nay, Iran vẫn tránh giao tranh trực tiếp với Israel, song các nhóm vũ trang do Iran bảo trợ có thể sẽ tăng cường hành động thù địch nhắm vào Israel và đồng minh. Hezbollah, một tổ chức hùng mạnh thân Iran, đã tuyên bố vụ tấn công sứ quán Iran sẽ bị trừng phạt.

2 Trung Dong Nong Quanh Israel

Biểu tình phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem, ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS

Israel giữa muôn trùng vây

Căng thẳng đáng kể nhất trong vụ này là địa điểm bị tấn công. Đó là tòa nhà lãnh sự Iran, cũng là chỗ ở của Đại sứ Iran tại Syria và kế bên Đại sứ quán Iran, nên được xem như "lãnh thổ có chủ quyền của Iran".

Trong thế cục ở Trung Đông, có thể hình dung Mỹ và Israel là những đồng minh, còn Iran có mối quan hệ thân thiết với Nga. Thực tế, điểm đáng lo nhất cho Israel là họ nhiều khả năng phải tự mình xử lý áp lực đến từ cả trong nước lẫn các đồng minh.

Hôm 1-4, trang Axios dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay Washington đã nói với phía Iran rằng họ "không hề liên quan" hoặc biết trước về một vụ tấn công nào của Israel nhắm vào khu nhà ngoại giao ở Syria.

Đây được cho là một thông điệp "hiếm thấy" và phản ánh thực tế Washington đang lo ngại sâu sắc về khả năng vụ tấn công của Israel có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng trong khu vực. Thêm vào đó, kịch bản này cũng tạo ra nguy cơ "làm sống lại" các đợt tấn công của những tay súng ủng hộ Iran nhắm vào lực lượng Mỹ.

Chi tiết trên phần nào phản ánh thái độ "giữ khoảng cách" của Mỹ đối với những kế hoạch quân sự của Israel trong khu vực, đặc biệt là thời gian gần đây.

Hôm 1-4, cũng là thời điểm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc họp trực tuyến với Israel. Nội dung cuộc họp xoay quanh đề xuất thay thế của Mỹ đối với kế hoạch đổ bộ vào thành phố Rafah tại Dải Gaza mà Israel muốn thực hiện. Washington không ít lần lo ngại thảm họa nhân đạo nếu Israel tấn công Rafah, một trong hai cửa ra vào lãnh thổ Gaza và hiện còn khoảng 1 triệu người Palestine sinh sống.

Từ chỗ tuyên bố ủng hộ Israel tấn công Dải Gaza, Mỹ đã có sự điều chỉnh khi không bỏ phiếu phủ quyết lệnh ngừng bắn ngay lập tức của Liên Hiệp Quốc. Cuộc chiến Gaza đã kéo dài và thảm khốc hơn suy nghĩ của nhiều đồng minh Israel. Thông tin tiêu cực về cuộc chiến này tiếp tục dày đặc trên mặt báo và khiến Israel ngày càng hứng chịu bình luận thẳng thắn từ phương Tây.

Israel tuyên bố cứng rắn

Về các sự kiện gần đây, Bộ Quốc phòng Israel vào ngày 2-4 cũng có những tuyên bố cứng rắn. Phát biểu trước một ủy ban quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant không đề cập trực tiếp tới nghi án "Israel tấn công quan chức Iran" ở Syria, nhưng nhấn mạnh "chúng tôi hoạt động mọi nơi, mỗi ngày, nhằm ngăn kẻ thù lớn mạnh", và rằng mục tiêu của việc này là "nói rõ cho tất cả những kẻ đe dọa chúng tôi, trên toàn Trung Đông, cái giá cho hành động như thế là rất lớn".

"Chúng ta đang trong một cuộc chiến nhiều mặt trận. Chúng ta thấy bằng chứng của điều này mỗi ngày, bao gồm nhiều ngày gần đây", ông Gallant nói.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan