Ukraine nâng cấp dàn UAV "sát thủ thiết giáp"

Ukraine bổ sung thêm tính năng lên các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) nhằm gây thêm thiệt hại cho dàn xe thiết giáp Nga trên tiền tuyến.

1 Ukraine Nang Cap Dan Uav Sat Thu Thiet Giap

Binh sĩ Ukraine cầm trên tay một UAV giá rẻ (Ảnh: Reuters).

Theo Newsweek, Ukraine đang cải tiến các UAV FPV nhằm tạo ra thiệt hại lớn hơn cho đội thiết giáp Nga để ngăn đà tiến của Moscow, trong bối cảnh Kiev đang thiếu đạn dược nghiêm trọng.

Truyền thông Ukraine cho biết, nước này đã phát triển loại đạn xuyên giáp, được gọi là EFP, tương thích với các UAV FPV.

Đạn EFP được thiết kế để chống lại các phương tiện quân sự bọc thép, bao gồm thiết giáp chở quân hoặc xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành. Theo nguồn tin Ukraine, loại đạn này có thể di chuyển với tốc độ 1.800m/s (6.480km/h).

Chuyên gia quân sự David Hambling cho biết, loại đạn EFP này không phải là công nghệ mới mà là phiên bản của đạn xuyên giáp tiêu chuẩn.

Ông nói với Newsweek rằng EFP xuyên giáp ít hơn so với các loại đạn có hình dạng khác, đó là lý do tại sao chúng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, chúng có tầm bắn xa hơn nhiều.

Ưu điểm chính của loại đạn trên máy bay không người lái FPV của Ukraine nằm ở chỗ người điều khiển có thể kích hoạt đạn từ xa. Ông nói thêm: "EFP cũng sẽ lao thẳng qua lồng hoặc lưới thường được sử dụng để bảo vệ phương tiện khỏi FPV".

UAV FPV đang được sử dụng ngày càng phổ biến ở chiến trường Ukraine, từ nhiệm vụ trinh sát cho pháo binh cho tới tấn công cảm tử. Giá thành rẻ, dễ sản xuất, yêu cầu kỹ thuật không quá cao giúp vũ khí này được cả 2 bên trong cuộc chiến tin dùng.

Với UAV FPV, Ukraine đã duy trì được cuộc chiến bất đối xứng khi những vũ khí này đã phá hủy được xe tăng, thiết giáp trị giá hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu USD của Nga.

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, người đứng sau hoạt động sản xuất và sử dụng UAV, cuối năm ngoái nói rằng máy bay không người lái "đôi khi chúng hoạt động hiệu quả hơn cả pháo binh".

Khi mối lo ngại của Ukraine ngày càng sâu sắc về kho dự trữ đạn dược khan hiếm, loại đạn EFP mới gắn trên UAV FPV có thể giúp ích cho Kiev phá hủy hiệu quả thiết giáp của Nga hơn. Nhược điểm lớn nhất của UAV FPV chính là tầm tấn công ngắn nên nó không thể thay thế hoàn toàn được pháo.

Trong suốt hơn 25 tháng chiến sự, Ukraine đã chạy đua với Nga để phát triển UAV. Tuy nhiên, với cương vị cường quốc quân sự, Nga cũng không để bị bỏ lại phía sau.

Một chỉ huy Ukraine cho biết vào giữa tháng 12 năm ngoái rằng Nga sở hữu lượng UAV FPV gấp 7 lần Ukraine ở các mặt trận quan trọng tại mặt trận miền Đông và miền Nam.

Ukraine đang hướng tới mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu UAV vào năm 2024 để có thể bắt kịp Nga trong cuộc chiến tiêu hao.

Theo Newsweek

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan