Lần đầu tiên từ lúc bất ngờ tràn qua biên giới Nga ở vùng Kursk, phía Ukraine có một thông điệp gợi mở động cơ của họ và đưa ra một “đề nghị”.
Quân nhân Ukraine tại vùng Sumy giáp biên giới với Nga ngày 13-8 - Ảnh: REUTERS
Hôm 13-8, Ukraine khẳng định sẽ không giữ các khu vực Kiev đã kiểm soát trên lãnh thổ Nga, được hiểu chính là vùng Kurst ở phía tây của Nga.
Ukraine hé mở lý do tấn công lãnh thổ Nga
Cách đây một tuần, Ukraine đã bất ngờ đột kích và tràn qua biên giới Nga, chiếm quyền kiểm soát một số khu vực tại đây.
Giao tranh đã diễn ra không ngừng khi Nga phản đòn, còn Ukraine tiếp tục tấn công. Cũng có thông tin cho thấy phía Ukraine cố gắng xây dựng phòng tuyến để trụ lại.
Hôm 12-8, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky khẳng định quân đội nước này đã kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga.
Thông tin về phạm vi Ukraine kiểm soát vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ. Con số phía Nga đưa ra thấp hơn, trong khi một phân tích của Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) được AFP dẫn lại cho thấy Kiev đang nắm chiếm ít nhất 800km2 tính tới 12-8.
Phát biểu ngày 13-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tykhy khẳng định Kiev không quan tâm tới việc "chiếm giữ" lãnh thổ Nga và cho rằng hành động của Ukraine là "tuyệt đối hợp pháp".
"Nga càng đồng ý với một nền hòa bình chính đáng càng sớm thì các cuộc đột kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ càng sớm chấm dứt", vị này nói.
Nguy cơ xung đột Ukraine - Nga lan rộng
Trước đó, phải mất vài ngày từ lúc thông tin về Kursk nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới lên tiếng xác nhận quân đội Ukraine tiến vào lãnh thổ Nga. Ông Zelensky không nói nhiều về mục đích thực sự của Kiev, trừ việc cho rằng đây là hành động Nga đáng phải nhận sau những gì đã làm với Ukraine.
Dư luận phương Tây trong khi đó cho rằng Ukraine đang muốn tranh thủ nắm nhiều lợi thế, nhằm có thêm "bài" trên bàn đàm phán với Nga trong tương lai.
Chuyện Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga tiềm ẩn khả năng khiến cuộc xung đột này leo thang căng thẳng, thậm chí có thể là bước ngoặt cho những động thái quyết đoán hơn.
Phương Tây đã rất cẩn trọng trước các kế hoạch tấn công lãnh thổ Nga. Ít nhất Mỹ và châu Âu, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không muốn chứng kiến Ukraine sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, vì đây sẽ dễ bị xem như một chi tiết có thể đẩy các bên vào một cuộc xung đột trực diện với Matxcơva.
Hiện nay, ngoài tuyên bố đáp trả Ukraine, phía Nga cũng đưa ra nhiều ý kiến cáo buộc phương Tây đang đứng sau, sử dụng Ukraine cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga.
Trong diễn biến đáng chú ý ngày 13-8, Nga cho hay đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Moldova để bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về thông tin có F-16 được triển khai ở Moldova nhằm chuyển loại chiến đấu cơ này cho Ukraine. Trước đó Moldova đã bác bỏ thông tin này.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online