Ukraine vô hiệu hóa tuyến đường tiếp viện huyết mạch của Nga

Ukraine cho biết, Nga không còn sử dụng cầu Crimea để vận chuyển vũ khí đến bán đảo Crimea sau khi cây cầu bị hư hại do hàng loạt vụ tấn công của Kiev.

1 Ukraine Vo Hieu Hoa Tuyen Duong Tiep Vien Huyet Mach Cua Nga

Cầu Crimea bốc cháy trong một vụ tấn công hồi tháng 10/2022 (Ảnh: Anadolu).

Báo Kyiv Independent dẫn lời ông Vasyl Maliuk, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), ngày 25/3 cho biết hiện giờ Nga không còn sử dụng cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch để vận chuyển vũ khí từ đất liền Nga đến bán đảo Crimea nữa.

"Trước kia, mỗi ngày có từ 42-46 chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược chạy qua đây. Hiện nay, chỉ còn 4-5 chuyến mỗi ngày, gồm 4 chuyến tàu chở khách và 1 chuyến tàu chở hàng", ông Maliuk nói.

Cầu Crimea (hay còn gọi là cầu Kerch) được Nga xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2018 sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine cách đây hơn 2 năm, cầu Crimea đã trở thành tuyến đường huyết mạch để tiếp tế vũ khí, đạn dược và binh sĩ cho lực lượng Nga ở Ukraine.

Cũng vì lý do đó, cầu Crimea liên tiếp trở thành mục tiêu tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng tự sát của quân đội Ukraine. Cây cầu bị hư hại nặng sau các cuộc tập kích của Kiev vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Giới chức Nga liên tục yêu cầu ngừng lưu thông trên cầu Crimea do các mối đe dọa từ vũ khí Ukraine.

Ông Maliuk cho rằng, khi cây cầu được khôi phục hoàn toàn, Nga có thể sẽ lại sử dụng để vận chuyển vũ khí. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Ukraine sẵn sàng tiến hành các vụ tập kích khác nhằm vào Crimea.

Cuối tuần trước, quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy 2 tàu đổ bộ lớn và trung tâm liên lạc của Hạm đội Biển Đen Nga ở bán đảo Crimea.

Người phát ngôn hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk nói rằng, vụ tấn công đã kéo theo vấn đề liên lạc ở Crimea. Trên thực tế, tình hình đối với họ có thể còn tồi tệ hơn vì căn cứ hải quân là công trình đảm bảo hoạt động của toàn hạm đội. Vì vậy, vấn đề có thể không chỉ là thông tin liên lạc mà còn là việc cung cấp, bảo trì, sửa chữa và nhiều vấn đề khác", ông bình luận.

Nga cho rằng các đồng minh phương Tây đã cung cấp vũ khí và khuyến khích Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự của Moscow ở bán đảo Crimea. Moscow cảnh báo, hành động này có thể bị coi là tuyên chiến trực tiếp với Nga.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Moscow tuyên bố, bất cứ hội nghị hòa bình nào về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga "đều vô nghĩa" và sẽ thất bại.

"Liệu vấn đề Ukraine có thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga? Câu trả lời rất rõ ràng: Không thể", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Ông nêu rõ, Nga coi kế hoạch hòa bình do Ukraine đưa ra, trong đó kêu gọi Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine là không khả thi.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng chỉ trích kế hoạch của châu Âu dùng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine.

"Tôi tin châu Âu hiểu rằng chúng tôi sẽ thách thức quyết định đó, không phải 1 năm, mà kể cả hàng chục năm", ông Peskov nói. Ông cho rằng, Ukraine đang trở thành "công cụ" của phương Tây để kiềm chế, gây sức ép và cô lập Nga.

2 Ukraine Vo Hieu Hoa Tuyen Duong Tiep Vien Huyet Mach Cua Nga

Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014 (Ảnh: AFP).

Theo Kyiv Independent

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan