Vì sao Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội?

Mua sắm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là kể từ sau đại dịch COVID-19. Nhiều mạng xã hội đã tận dụng số người dùng khổng lồ để đưa vào tính năng mua sắm online, một sự kết hợp được gọi là "thương mại xã hội".

1 Vi Sao Indonesia Cam Ban Hang Tren Mang Xa Hoi

Một người phát trực tiếp (livestream) để bán đồng hồ từ Trung tâm thương mại quốc tế tại Jakarta, Indonesia - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên ngày 27-9, Indonesia đã ban hành lệnh cấm mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng thị trường truyền thống.

Được quảng cáo, không được bán hàng

Theo trang First Post, quy định này có nghĩa các mạng xã hội sẽ không thể giao dịch trực tiếp mà chỉ có thể quảng bá sản phẩm.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan nói: "Nền tảng thương mại xã hội có thể đặt các quảng cáo như tivi nhưng không được phép mang tính giao dịch. Họ không thể mở cửa hàng hay trực tiếp bán hàng".

TIN LIÊN QUAN

Ông cũng khẳng định cần có sự tách bạch và "thương mại điện tử không thể trở thành mạng xã hội". Quy định mới này có hiệu lực ngay lập tức.

Chính phủ Indonesia nhấn mạnh việc định giá "săn mồi" (tức đặt giá thấp để loại bỏ cạnh tranh) trên mạng xã hội đang đe dọa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Hasan, quy định mới nhằm đảm bảo cạnh tranh "công bằng và chính đáng", đồng thời ngăn chặn "sự thống trị của thuật toán và ngăn việc sử dụng dữ liệu người dùng để kiếm lợi trong kinh doanh".

Các công ty vi phạm trước hết sẽ bị cảnh cáo và đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Một trong những mạng xã hội bị ảnh hưởng nặng nhất từ lệnh cấm là TikTok (thuộc Công ty Bytedance của Trung Quốc). Theo Hãng tin AFP, Indonesia là thị trường lớn thứ 2 thế giới của TikTok với 125 triệu tài khoản hoạt động hằng tháng - ngang với châu Âu và chỉ xếp sau 150 triệu người dùng ở Mỹ.

Cũng chỉ 3 tháng trước, TikTok cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào Đông Nam Á trong nhiều năm tới, chủ yếu là ở Indonesia, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

Giám đốc điều hành của Viện Phát triển kinh tế và tài chính ở thủ đô Jakarta (Indonesia) - ông Tauhid Ahmad - khẳng định TikTok "chắc chắn sẽ thua lỗ" với lệnh cấm mới vì họ thu phí hoa hồng ở mỗi giao dịch bán hàng trên nền tảng.

Kẻ khóc người cười

Bà Stevanie Ahua, 60 tuổi - một người bán quần jean trong chợ Tanah Abang ở Jakarta - hoan nghênh lệnh cấm, cho rằng chính phủ cần đổi mới trong tình hình thị trường truyền thống khá đìu hiu như hiện nay.

Bà Ahua cho biết doanh thu của bà đã giảm 60% trong những tháng gần đây khi khách hàng chuyển sang mua online.

Trong khi đó anh Panji Made Agung, một thợ làm bánh 29 tuổi ở Bali, lại tỏ ra thất vọng. TikTok đã giúp anh bán được hàng và có thể gia tăng danh tiếng bằng cách trở thành người có độ ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Người phát ngôn cho TikTok tại Indonesia nói họ tôn trọng luật pháp sở tại và sẽ theo đuổi con đường mang tính xây dựng trong tương lai, nhưng lo ngại lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương đang hoạt động trên TikTok Shop.

Archive - công ty chuyên về xây dựng tiếp thị marketing - cho rằng sự trỗi dậy của các mạng xã hội khổng lồ như Facebook đã làm nên một cuộc cách mạng với mô hình thương mại điện tử cũ và cả hành vi mua bán của mọi người.

Khả năng thu thập và phân tích dữ liệu của các mạng xã hội giúp nhà bán hàng dễ dàng nắm bắt nhu cầu của từng người. Doanh số bán hàng từ thương mại xã hội đạt 560 tỉ USD vào năm 2020, dự báo tăng lên 2.900 tỉ USD vào năm 2026.

Khảo sát của trang Hubspot với hơn 600 người Mỹ vào tháng 5-2023 cho thấy 22% người dùng thuộc thế hệ Z (sinh ra trong các năm 1997-2012), 27% người dùng thuộc thế hệ Millennials (1981-1996), 19% thuộc thế hệ X (1965-1980) và 8% thuộc thế hệ Boomers (1946-1964) xác nhận họ có mua hàng trên mạng xã hội trong 3 tháng qua.

Với khoảng 1,6 tỉ người dùng toàn cầu, TikTok không bỏ lỡ cơ hội gia nhập ngành thương mại điện tử. Nền tảng mua sắm TikTok Shop được tích hợp trên TikTok cho phép các thương hiệu bày bán sản phẩm, tạo nên trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và liền mạch.

TikTok cũng không phải mạng xã hội duy nhất tích hợp tính năng mua sắm online. Vào tháng 8-2023, người bán hàng đã có thể thiết lập và quản lý cửa hàng online trên Facebook và Instagram (cùng của Công ty Meta). Với lệnh cấm của Indonesia, cả hai mạng xã hội này đều chưa bình luận.

Tuy nhiên hai giám đốc điều hành của Facebook và TikTok đều từng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc khai thác và sử dụng thông tin người dùng.

Đây cũng là một nội dung được đề cập trong lệnh cấm mới của Indonesia, chứng tỏ các nhà chức trách còn nhiều nghi ngại về sự an toàn và bảo mật của người dùng trên mạng xã hội.

Chủ yếu ảnh hưởng TikTok?

Hãng nghiên cứu thị trường BMI chỉ ra lệnh cấm sẽ chỉ ảnh hưởng đến TikTok và khó làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn ngành thương mại điện tử của Indonesia.

Họ vẫn còn những "gã khổng lồ" khác như Tokopedia của GoTo, Shopee của Sea (Indonesia) và Lazada của Alibaba (Trung Quốc).

Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết TikTok chỉ chiếm 5% trong tổng số 52 tỉ USD giao dịch điện tử tại Indonesia trong năm 2022.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan