Vụ tấn công khủng bố tại Matxcơva: Hố sâu ngăn cách Nga - phương Tây

Vụ tấn công nhà hát Crocus ở ngoại ô thủ đô Matxcơva vào ngày 22-3 khiến hơn 320 người thương vong đã trở thành thảm kịch khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, kể từ sau sự kiện vây hãm trường học Beslan 20 năm trước.

1 Vu Tan Cong Khung Bo Tai Matxcova Ho Sau Ngan Cach Nga   Phuong Tay

Hoa và đồ chơi được mọi người mang tới đặt ở phía trước nhà hát Crocus ở ngoại ô thủ đô Matxcơva (Nga) vào ngày 27-3, sau vụ tấn công khủng bố hôm 22-3 - Ảnh: Reuters

Dư chấn từ sự kiện này không chỉ đang làm dày thêm hố sâu ngăn cách giữa Nga và phương Tây, khiến niềm tin của các bên về một nỗ lực hòa giải cho chiến sự ở Ukraine ngày càng phai nhạt, mà còn góp phần thúc đẩy các chỉ dấu leo thang xung đột rộng hơn ở các khu vực dọc biên giới Nga, từ các tỉnh giáp biên Ukraine đến tận khu vực Nam Kavkaz.

"Bức màn sắt"

"Bức màn sắt" ngăn chặn quá trình phục hồi niềm tin giữa Nga và phương Tây càng nặng nề hơn khi đại sứ Nga tại Washington (Mỹ) Anatoly Antonov khẳng định trong khi Matxcơva là bên đầu tiên đề nghị hỗ trợ Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, thì phía Mỹ hiện nay lại nhất quán lập trường "không có ý định hỗ trợ an ninh" cho Nga sau vụ tấn công khủng bố Crocus.

"Giờ đây tất cả đã bị hủy hoại", ông Antonov nhấn mạnh.

Xu hướng bi quan trong quan hệ Nga - Mỹ càng trầm trọng hơn khi có nhiều dữ kiện cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kiên trì bảo vệ các quan điểm trái ngược đối với thông báo từ phía Nga về bên chủ mưu gây ra thảm kịch Crocus.

Trong đó, ngay từ ngày 7-3, Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva đã đưa ra cảnh báo tránh tụ tập đông người trong 48 giờ vì khả năng xuất hiện các cuộc tấn công từ những kẻ cực đoan, trong đó có mục tiêu buổi hòa nhạc.

Cùng ngày hôm đó, phía Mỹ cho rằng đã gửi thông tin chia sẻ theo "nghĩa vụ cảnh báo" cho Nga. Tuy nhiên, chính đại sứ Nga Antonov sau vụ tấn công ngày 22-3 lại nói không có thông tin cụ thể nào được chuyển giao từ Mỹ mặc dù thông tin này báo chí đã đăng tải và phía Nga chưa có chỉ dấu nào cho thấy sự chuẩn bị của họ.

"Định trốn sang Belarus, chuyển hướng tới Ukraine"

Có thể thấy tuy thông tin công khai từ cả hai phía Nga và Mỹ có phần đối lập nhưng lập trường từ Mỹ lại trở nên rất thống nhất dựa trên cả ba xu hướng công bố thông tin nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, thuyết phục.

Đầu tiên phải kể đến xu hướng tạo hiệu ứng "mỏ neo" (anchoring effect) khi Mỹ tuyên bố "không có gì để nghi ngờ" thông tin IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công, thậm chí còn dẫn thêm hai nguồn tin khẳng định đích danh nhánh ISIS-K (Vilayat Khorasan) của IS ở Afghanistan thực hiện.

Trong lúc Nga vẫn đang truy lùng và bắt giữ nghi phạm với các thông tin chưa rõ ràng, Mỹ lại tiếp tục khẳng định Ukraine không liên quan các hoạt động khủng bố nói trên. Điều này khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27-3 phải nhấn mạnh sự thiên vị của Mỹ khi cố gắng đưa Ukraine ra khỏi "tình trạng nguy hiểm".

Tuy nhiên, hai thông tin mang tính "mỏ neo" (nhằm điều hướng ấn tượng ban đầu của dư luận) của Mỹ thực tế lại rất thống nhất với các thông tin về sự gia tăng hoạt động một cách bất thường gần đây của ISIS-K.

Điển hình nhất là vụ đánh bom ở Kerman của Iran vào tháng 1-2024 khiến 95 người thiệt mạng (cũng được phía Mỹ nhận đã cảnh báo sớm) và phát ngôn mới đây nhất của đại sứ Mỹ tại Iraq Alina Romanowski cho rằng "IS vẫn đang là mối đe dọa tại Iraq" vào ngày 24-3. Cuộc tấn công của ISIS-K vào Kandahar, quê hương của lực lượng Taliban đang cầm quyền ở Afghanistan, vào ngày 21-3 (một ngày trước vụ khủng bố Crocus) cũng nhằm củng cố quan điểm này.

Các thông tin trên không chỉ góp phần tăng tính thuyết phục cho lập luận của Mỹ, mà còn khiến dư luận quên đi chi nhánh IS được phân định để hoạt động ở Nga thuộc về nhóm "Vilayat Kavkaz" vốn có địa bàn nằm ở khu vực bắc Kavkaz của Nga.

Thậm chí thông tin mà Nga xác nhận các nghi phạm khủng bố bị bắt khi trên đường đào thoát về biên giới Ukraine cũng bị đặt dấu hỏi sau đó khi Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết thủ phạm định trốn sang Belarus song nhận ra điều này bất khả thi và chuyển hướng tới Ukraine.

Cùng leo thang

Những chỉ dấu nghi ngờ nói trên đang khiến "bức màn sắt" ngăn cản các nỗ lực phục hồi quan hệ Nga - Mỹ nói riêng và Nga - phương Tây nói chung. Bối cảnh này đã buộc phía Nga phải chọn giải pháp đơn phương đáp trả khi liên tục tăng cường tấn công vào các trung tâm của SBU (Cơ quan an ninh Ukraine) vào ngày 26-3, đồng thời tăng cường phối hợp với các bên như Tajikistan mở rộng thẩm vấn người thân của các nghi phạm.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Ukraine lại được phối hợp tốt hơn. Hai mũi vu hồi của quân đội nước này ở cánh phía bắc (biên giới Nga - Ukraine) và cánh phía nam (Biển Đen) đang đạt nhiều thắng lợi được xác nhận dường như đã phối hợp tốt với các hoạt động "gây nhiễu" từ NATO.

Trong đó, không quân Mỹ đang đánh nhiều "đòn gió" bằng cách cho không quân xâm phạm vào không phận của Syria (đồng minh của Nga) cũng như không phận Nga trên Biển Barents cùng ngày 26-3. Còn đích thân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa hoàn thành chuyến thăm đến nam Kavkaz thuộc hậu tuyến của Nga, khiến Nga phải tăng cảnh giác ngay ở "sân sau" của mình.

Nguy cơ lan rộng chiến sự tại Ukraine

Cuộc khủng bố tại nhà hát Crocus vừa qua trên thực tế đã khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa các bên vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến những nền tảng cho một kịch bản đàm phán đình chiến ở Ukraine.

Kết hợp với các động thái cân nhắc trưng cầu ý dân của hai vùng ly khai Nam Ossetia ở Gruzia và vùng Transnistria ở Moldova đang diễn ra, thế trận vu hồi và gây nhiễu tích hợp giữa Ukraine và khối NATO lúc này dường như không còn nhân tố nào cản trở khả năng lan rộng chiến sự ra toàn khu vực.

LỤC MINH TUẤN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan