Sự xoay trục của Nga sang Trung Quốc đã gặp phải nhiều trở ngại trong năm nay khi các ngân hàng Trung Quốc đang từ chối các giao dịch thanh toán với doanh nghiệp Nga, buộc Moscow phải tăng phí chuyển tiền bằng đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc được xem là "cứu cánh" của nền kinh tế Nga kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra với kim ngạch thương mại song phương tăng vọt 26% lên mức cao nhất là 240 tỷ USD vào năm ngoái và Moscow trở thành nguồn cung cấp dầu hàng đầu của Bắc Kinh.
Tháng trước, phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng khoảng 98% các ngân hàng Trung Quốc đã từ chối các giao dịch thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với Nga.
Đầu tiên chỉ là các ngân hàng lớn, dần dần các ngân hàng địa phương nhỏ hơn cũng đã tăng cường tuân thủ các lệnh hạn chế của phương Tây để bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Tình trạng thiếu hụt nhân dân tệ nghiêm trọng diễn ra sau nhiều tháng chậm trễ trong việc thanh toán giao dịch với Nga của các ngân hàng Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ hạn chế đã gây ra tình trạng siết chặt thanh khoản, điều này dường như đã thúc đẩy các đợt tăng phí gần đây của các ngân hàng Nga.
Các công ty Nga kinh doanh với Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với nhiều rào cản hơn trong tháng này và lần này là từ các ngân hàng trong nước.
Ngân hàng thương mại Nga Expobank JSC đã tăng mạnh phí chuyển tiền bằng nhân dân tệ vào tuần trước từ 1,2% với mức phí tối thiểu là 350 Nhân dân tệ (49 USD) lên 6,5%, theo cổng thông tin tài chính Nga Frank Media.
Mức phí tối thiểu đã được tăng lên 7.500 nhân dân tệ, trước đó đây là mức phí tối đa.
Một ngân hàng khác của Nga là Uralsib Bank cũng sẽ tăng phí cho các giao dịch chuyển tiền bằng nhân dân tệ lên 6,5% tổng số tiền. Uralsib Bank cũng sẽ tăng số tiền chuyển tối thiểu bằng đồng nội tệ Trung Quốc lên 400 nhân dân tệ.
Trong khi đó, ngân hàng SDM của Nga đã tăng phí chuyển khoản bằng nhân dân tệ lên 6,2%.
"Vì việc thanh toán bằng loại tiền tệ này ngày càng trở nên khó khăn hơn nên chi phí cũng tăng lên. Đối với chúng tôi, điều này trực tiếp dẫn đến chi phí chuyển tiền từ các ngân hàng của chúng tôi cao hơn", Phó chủ tịch Ngân hàng SDM, ông Vyacheslav Andryushkin, nói với Newsweek.
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu Nga cũng ngày càng phải dựa vào các bên trung gian.
Tình trạng thiếu hụt nhân dân tệ nghiêm trọng diễn ra sau nhiều tháng chậm trễ trong việc thanh toán giao dịch với Nga của các ngân hàng Trung Quốc, vốn ngày càng cảnh giác sau khi Mỹ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp. Những vấn đề này lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 khi hàng tỷ nhân dân tệ bị kẹt trong tình trạng bấp bênh.
Theo các chuyên gia, một giải pháp khả thi có thể phục vụ cả hai nước là thành lập một ngân hàng chung của Trung Quốc và Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, ông Alexey Maslov, giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moscow, cho hay: "Ý tưởng về một ngân hàng Nga-Trung đã được thảo luận từ nhiều thập kỷ trước, nhưng khi đó nó chưa bức thiết vì các hệ thống vẫn hoạt động trơn tru".
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, ông Alexey cho hay khái niệm về một ngân hàng chung giữa hai nước vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Về lý thuyết, "các chi nhánh của cùng một tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc", ông cho biết thêm.
Việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với những bên hỗ trợ nỗ lực chiến sự của Nga thực sự đang khiến một số ngân hàng Trung Quốc lo sợ.
Hãng tin Izvestia của Nga đưa tin rằng những ngân hàng Trung Quốc không chỉ từ chối xử lý các giao dịch thương mại với Nga mà một số thậm chí còn trả lại tiền cho những hàng hóa đã được vận chuyển.
Việc đưa Sàn giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX) bị đưa vào danh sách trừng phạt của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã hạn chế giao dịch đồng USD và các cặp tiền tệ bằng USD, khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào đồng nhân dân tệ cho thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối.
Thị phần của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối của Nga đã đạt 99,6% sau khi các lệnh trừng phạt được công bố.
Các chuyên gia cho hay điều này cũng khiến nền kinh tế Nga dễ bị tổn thương hơn trước chính sách tiền tệ và điều chỉnh tỷ giá hối đoái của nước láng giềng.
Theo News Week/vietnamfinance