2 trẻ em bị từ chối gia hạn hộ chiếu khiến cha mẹ lo ngại việc kiểm tra DNA

Văn phòng hộ chiếu đã từ chối gia hạn hộ chiếu Anh cho ít nhất hai trẻ em vì không có bằng chứng quan hệ với cha mẹ và các luật sư tin rằng điều này chỉ có thể chứng minh qua thử DNA.

Ở trong cả hai trường hợp, mẹ của các em bé đều không phải là công dân Anh, nhưng con của họ đã được cấp hộ chiếu Anh nhờ vào quốc tịch Anh của người cha. Những trường hợp này cho thấy Bộ Nội vụ đang thực sự quá nghiêm khắc với vấn đề quyền lưu trú của người mẹ phụ thuộc vào quốc tịch Anh của con.

Thông tin được tiết lộ sau khi Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát lý do tại sao các nhân viên di trú lại đòi người nhập cư kiểm tra DNA bất chấp các quy trình hướng dẫn đều chỉ rõ việc này không phải là bắt buộc. Những lá thư từ Văn phòng Hộ chiếu Hoàng gia, một cơ quan của Bộ Nội vụ, đã được gửi tới hai người phụ nữ vào ngày 11 tháng Sáu và 2 tháng Bảy.

426 1 2 Tre Em Bi Tu Choi Gia Han Ho Chieu Khien Cha Me Lo Ngai Viec Kiem Tra Dna

Cô Nguyen, 26 tuổi, một phụ nữ Việt Nam sống ở Staines, gần London, bị từ chối gia hạn hộ chiếu cho con trai cô là Andy, sáu tuổi, sinh ra ở Anh và có cha là người Anh. Văn phòng hộ chiếu yêu cầu “hồ sơ cụ thể” chứng minh quan hệ huyết thống mặc dù mẹ cậu bé trình bày rằng cha em đã tái hôn với người phụ nữ khác và không sẵn sàng cung cấp mẫu.

Người cha vẫn gửi tiền trợ cấp và thường xuyên thăm nom cậu bé. Anh cũng nhận khoản trợ cấp cho trẻ nhỏ nhờ vào quan hệ với Andy và được ghi tên trong khai sinh của cậu. “Tôi thực sự lo lắng và buồn bực vì Andy được sinh ra ở đây, cha thằng bé là một công dân Anh,” cô Nguyen phát biểu thông qua một phiên dịch. “Thằng bé được nhận hộ chiếu nhưng giờ đây họ lại từ chối nó.” Quyết định từ chối này khiến cô Nguyen buộc phải hủy bỏ kế hoạch đưa Andy về thăm họ hàng ở Việt Nam vào dịp Tết trong tháng Hai tới.

Người phụ nữ thứ hai, một công dân Grenada, cho biết cô được yêu cầu kiểm tra DNA khi gia hạn hộ chiếu cho con trai chín tuổi của mình, người được sinh ra ở Anh và có cha là công dân Anh gốc Sri Lanka. “Tôi đã bị sốc,” cô bày tỏ, nói thêm rằng cô có thể không thể về Grenada cùng con để thăm một người thân bị ốm.

Văn phòng Hộ chiếu giải thích rằng dù người bạn đời của cô được xác định là cha cậu bé trên giấy khai sinh, nhưng việc đăng ký mãi đến hơn một năm sau ngày cậu bé ra đời mới được thực hiện. Người mẹ giải thích việc trậm chễ này là do cha cậu bé buộc phải ở lại Sri Lanka vì việc gia đình.

Jacqui McKenzie, luật sư đại diện cho người mẹ này, cho rằng cách thân chủ cô bị đối xử cho thấy Bộ Nội vụ dường như chẳng có thay đổi gì sau vụ bê bối Windrush. “Chúng tôi tưởng chúng ta đã cởi mở và lý trí hơn sau bê bối đó, nhưng thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại,” cô McKenzie nhấn mạnh.

Bộ Nội vụ phát biểu rằng tất cả các hồ sơ xin cấp hộ chiếu, bao gồm hồ sơ gia hạn, đều được dựa trên những bằng chứng có được tại thời điểm nộp hồ sơ. “Một hồ sơ xin hộ chiếu thành công trước đó không thể ngăn cản Cơ quan Hộ chiếu yêu cầu thêm bằng chứng nếu xuất hiện thông tin mà người đưa ra quyết định trước đó không nắm dược,” bộ cho biết.

Bộ cũng nhấn mạnh họ không bao giờ yêu cầu nộp mẫu DNA, mặc dù các luật sư có liên quan trong hai trường hợp trên đều cho biết họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để đáp ứng yêu cầu của văn phòng hộ chiếu.

Solange Valdez-Symonds, giám đốc của Dự án Đăng ký cho Trẻ em trở thành Công dân Anh, cho biết tổ chức của bà đã nhận được nhiều phản ánh về những đòi hỏi kiểm tra DNA vô lý từ năm 2014. Rất nhiều trong số những chính sách môi trường thiếu thân thiện của Bộ Nội vụ xúc phạm đến người nhập cư và cố gắng đẩy người nhập cư trái phép ra khỏi Anh đều bắt đầu từ năm đó.

“Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc này từ những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh đang vô cùng tuyệt vọng,” bà Valdez-Symonds nói. Bà kể lại bà đã từng phản đối Văn phòng Hộ chiếu trước nhiều phiên tòa khi cơ quan này liên tục từ chối cấp hộ chiếu cho một em bé sinh ra ở Anh có người cha từ chối làm xét nghiệm huyết thống. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra thực hiện bởi Dịch vụ Hỗ trợ Trẻ em, một cơ quan chính phủ khác, đã chứng minh đó là cha của đứa trẻ từ trước đó. Vụ việc này đã kéo dài trong suốt hai năm.

Afzal Khan, bộ trưởng nhập cư đảng đối lập, khẳng định chính sách của Bộ Nội vụ là hoàn toàn sai lầm, chưa kể đến việc tốn thời gian và nhân lực, khi họ yêu cầu người dân chứng minh những mối quan hệ mà chính bộ từng thừa nhận. “Dường như Bộ Nội vụ không thể dừng việc yêu cầu người dân thực hiện những việc kỳ quái và gây rắc rối,” ông Khan nhận xét.

VietHome (Theo Financial Times)

Bài liên quan