Truyền thông thế giới đã liên tiếp chỉ trích tả tơi cách Chính phủ Anh phản ứng với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi số người tử vong ở Anh cao nhất châu Âu.
Theo tờ Dailymail, các tít báo mô tả Anh là “đứa trẻ khó bảo của châu Âu” và chính sách của Chính phủ Anh là “thất bại lớn nhất trong một thế hệ”.
Thiếu thiết bị bảo hộ, quyết định phong tỏa chậm trễ và xét nghiệm không đủ là những lý do khiến Anh có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu.
Những lời chỉ trích không chỉ tới từ những nước xử lý dịch COVID-19 tốt như Đức và Australia mà còn tới từ cả những nước như Italy và Mỹ - nơi mà khủng hoảng dịch bệnh cũng nghiêm trọng không kém.
Báo chí Italy nói rằng Anh không nghe lời cảnh báo từ miền Bắc Italy – nơi mà dịch bùng phát mạnh nhất trong hai tuần trước khi tới giai đoạn tương tự ở Anh.
Con số tử vong ở Anh là 30.615 tính tới ngày 8/5, vượt cả Italy (29.958 ca) và chỉ kém Mỹ (76.868 ca).
Ở Australia, nước mới có 97 ca tử vong sau khi sớm đóng cửa biên giới, tờ Sydney Morning Herald đã chạy một bài báo về Anh với tít: “Thất bại lớn nhất trong một thế hệ: Anh sai ở chỗ nào?”
Tít trên tờ Sydney Morning Herald của Australia. Ảnh: Dailymail
Tờ báo cho biết ngày càng nhiều chuyên gia và người dân cho rằng Anh vấp phải một loạt sai lầm khi phản ứng với dịch bệnh. Tờ báo liệt kê bốn thất bại chính: thiếu thiết bị bảo hộ, phong tỏa chậm, xét nghiệm không đủ, không bảo vệ nhà dưỡng lão. Thủ tướng Johnson mãi tới 23/3 mới phong tỏa đất nước.
Một chuyên gia y tế công cộng cho biết các nước hành động nhanh đã kiềm chế được dịch bệnh, còn các nước trì hoãn hành động thì chưa.
Tại Đức, nước có ít ca tử vong hơn nhiều so với dân số, tạp chí tin tức Focus gọi Anh là “đứa trẻ khó bảo của châu Âu”.
Tít trên tờ Focus của Đức. Ảnh: Dailymail
Tờ Focus cho rằng Chính phủ Anh “bất cẩn và ngạo mạn” và nói: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy hàng loạt quan chức chính phủ ở London đánh giá thấp đại dịch”. Tờ báo cho rằng Thủ tướng Johnson không quan tâm mấy tới đại dịch hồi tháng 2, khi số ca ở Anh vẫn thấp.
Tại Áo, nước được ca ngợi vì chiến lược xét nghiệm hàng loạt, tờ Kleine Zeitung cũng đã sử dụng cụm từ “đứa trẻ khó bảo” để mô tả Anh. Tờ báo cho biết quy mô khủng hoảng ở Anh là câu chuyện về những biện pháp sai lầm và thiếu biện pháp hạn chế.
Tại Italy, tờ La Repubblica cũng liệt kê hàng loạt sai lầm của giới chức Anh với dòng tít: “Từ miễn dịch cộng đồng cho tới trì hoãn đeo khẩu trang: Mọi sai lầm của chính phủ ông Johnson”.
Trong một bài viết trên tờ HuffPost phiên bản Italy, bài viết nói rằng số người tử vong ở Anh là kết quả của những lựa chọn mâu thuẫn. Bài có đoạn: Số người tử vong ở Anh cao bất chấp thực tế là đại dịch tác động tới Anh muộn hơn hai tuần so với Italy, cho Chính phủ Anh có nhiều thời gian để tổ chức những biện pháp phù hợp nhất để đối phó với đại dịch.
Tờ báo ở Italy khác là Positano News mô tả tình hình ở Anh là thảm họa với trên 30.000 nạn nhân.
Tại Tây Ban Nha, nơi cũng có số ca tử vong cao, tờ El Pais chạy một bài báo có tên “Cuộc phiêu lưu bất ngờ của ông Johnson”, trong đó nói về Thủ tướng Anh và cách xử lý đại dịch.
Tại Pháp, tờ Sud Ouest cho rằng ông Johnson đang chịu áp lực nặng nề vì ảnh hưởng kinh tế cũng như số người chết. Bài báo trên tờ Sud Ouest viết: “Thiệt hại của Anh đã vượt quá Italy. Áp lực đè nặng lên Thủ tướng”.
Tại Thụy Điển, quốc gia cũng bị nước ngoài chỉ trích tương tự vì chiến lược không phong tỏa khác người, đài truyền hình SVT cho rằng số ca tử vong cao ở Anh là do thất bại trong xét nghiệm và theo dõi người tiếp xúc.
Tại Na Uy, tờ điện tử Nettavisen nhận định phản ứng của Anh với đại dịch là chậm và không rõ ràng. Bài báo viết: “Anh có ca tử vong nhiều nhất châu Âu và chỉ trích nhằm vào giới chức ngày càng gia tăng vì không quan tâm đúng mức tới đại dịch”.
Báo Tin Tức (theo DailyMail)