Đánh dấu một năm chiến sự Ukraine 24-2, Anh ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu mọi mặt hàng mà nước này đã sử dụng trong chiến tranh.
Mục tiêu các biện pháp trừng phạt của Anh là làm tê liệt nền kinh tế Nga và hạn chế năng lực chiến đấu của Nga tại Ukraine - Ảnh: TASS
Anh đã đóng băng tài sản và trừng phạt một loạt quan chức và công ty Nga vào năm ngoái, nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga và hạn chế năng lực chiến đấu của nước này tại Ukraine.
Trừng phạt mới vào năm thứ 2
Trong một tuyên bố ngày 24-2, phía Anh cho biết họ sẽ nhắm vào 92 cá nhân và tổ chức mới, bao gồm cả các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chẳng hạn như ông chủ của đường ống năng lượng Nord Stream 2, ông Matthias Warnig.
"Hôm nay chúng tôi trừng phạt giới tinh hoa đang điều hành các ngành công nghiệp then chốt của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, đồng thời cam kết cấm xuất khẩu sang Nga mọi mặt hàng mà Nga bị phát hiện sử dụng trên chiến trường", Ngoại trưởng Anh James Cleverly viết trong tuyên bố mới nhất.
Theo Hãng tin Reuters, trừng phạt mới của London cũng nhắm thêm nhiều giám đốc điều hành Nga, bao gồm cả những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Rosatom, tập đoàn quốc phòng và ngân hàng Nga.
"Tình báo quân sự cho thấy tình trạng thiếu linh kiện ở Nga do các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất thiết bị xuất khẩu của họ, chẳng hạn như xe bọc thép, trực thăng tấn công và hệ thống phòng không", Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Mỹ, Đức tiếp tục ủng hộ Ukraine
Bên cạnh Anh, Mỹ cũng lên kế hoạch công bố "các lệnh trừng phạt sâu rộng nhắm vào những lĩnh vực đem lại doanh thu cho Nga", bao gồm ngân hàng, quốc phòng và công nghệ.
Mỹ dự kiến công bố gói trừng phạt nêu trên trong ngày 24-2.
Cũng trong ngày này, các nhà lãnh đạo của G7 sẽ có cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tại đây, họ dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga.
Trong khi đó, ngày 23-2 (theo giờ Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin sẽ duy trì hỗ trợ "mạnh mẽ" cho Ukraine đến chừng nào còn cần thiết.
"Điều gây ấn tượng sâu sắc với tất cả chúng tôi là quyết tâm và lòng dũng cảm của người Ukraine, cách họ bảo vệ sự tự do của mình", ông Scholz nói trong một video thông điệp nhân tròn một năm Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Cho đến nay, Đức đã viện trợ Ukraine hơn 14,85 tỉ USD về cả hỗ trợ tài chính và nhân đạo cũng như vũ khí. Thủ tướng Đức cho biết chính phủ của ông sẽ làm mọi thứ có thể "để đảm bảo rằng không có sự leo thang chiến tranh giữa Nga và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương)".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online