Bộ GD Vương quốc Anh (DfE) thừa nhận rằng tiền lương của giáo viên đã giảm hàng nghìn bảng mỗi năm (ít nhất là hơn 4.000 bảng/giáo viên/năm học).
Kể từ khi nỗ lực thắt lưng buộc bụng chi tiêu được công bố năm 2010, khiến hàng loạt giáo viên bỏ việc, trong khi việc thu hút nguồn nhân lực mới gặp khó khăn; nhất là trong bối cảnh lương giáo viên chỉ có thể tăng 2% cho năm học tới đây.
Các công đoàn giáo viên hoan nghênh sự thừa nhận của chính phủ Anh rằng tiền lương nhà giáo đã giảm và đang kêu gọi tăng 5% trong năm 2019
Công việc tăng, lương giảm
Theo báo cáo mới nhất của DfE, lương giáo viên ở nước Anh đang thấp hơn so với 15 năm trước đây về mặt thực tế. Từ năm học 2001 – 2002 đến năm học 2017 – 2018, mức lương trung bình của giáo viên đã giảm 10% và tổng lương trung bình của giáo viên giảm 11% theo giá trị thực tế.
Các tổ chức công đoàn đã kêu gọi tăng 5% lương cho giáo viên cho năm học tiếp theo, với lập luận rằng lương thấp khiến việc giữ chân nhân viên trở nên khó khăn. Năm ngoái, khoảng 60% giáo viên ở Anh có mức thu nhập dưới tiêu chuẩn quốc gia sau khi đã trừ mức lạm phát.
Mary Bousted, Tổng Thư ký của Liên đoàn GD quốc gia, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sự thừa nhận của DfE rằng lương của giáo viên đã giảm. Không có gì tốt khi Bộ trưởng Damian Hinds cố gắng lập luận rằng điều này cũng tương tự đối với các công việc ở khu vực tư nhân – những con số phản ánh nhiều SV tốt nghiệp bị buộc phải làm những công việc bán thời gian, tạm thời hoặc thời vụ, trong khi chúng ta đang nói về mức lương được đưa ra cho những người tham gia một nghề cụ thể”.
Số lượng HS trung học ở Anh được dự báo sẽ tăng 15% trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, chính phủ đã bỏ lỡ các mục tiêu tuyển dụng giáo viên trong sáu năm qua, dù DfE đã có nhiều biện pháp để giảm bớt áp lực thông qua việc chia sẻ công việc, hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên, nhân viên mới và giảm bớt giấy tờ đối với giáo viên.
Nguy cơ khủng hoảng đội ngũ
James Zuccollo, đến từ Viện Chính sách GD, cho biết có bằng chứng cho thấy việc tăng lương để thu hút nguồn nhân lực có thể làm giảm đáng kể cuộc khủng hoảng sắp diễn ra về đội ngũ giáo viên. Ông đưa ra dẫn chứng rằng nghiên cứu gần đây cho thấy một khoản bổ sung lương 5% cho giáo viên toán và khoa học có thể tránh được tình trạng thiếu hụt giáo viên, vốn đã được cảnh báo từ năm 2010.
Chương trình GD mới của chính phủ dành cho giáo viên mầm non có thể giúp giải quyết các vấn đề duy trì đội ngũ ở những vùng thiết hụt giáo viên hay những vùng khó khăn. Tuy vậy, trừ khi chương trình này được áp dụng ngay lập tức đối với đội ngũ giáo viên hiện tại, nếu không, chỉ một vài năm nữa, tất cả sẽ là quá muộn.
Bộ trưởng Hinds tuyên bố rằng, các trường học chính thống của nhà nước (trường công) sẽ không còn bị trừng phạt vì không đạt tiêu chuẩn đối với các bài kiểm tra, trong nỗ lực giải phóng giáo viên khỏi sự căng thẳng vì kết quả thi cử và giảm nguy cơ bị trừng phạt đối với các trường có HS cá biệt hoặc trường chuyên biệt, nơi mà HS có kết quả thi thấp. Ông cũng muốn cắt giảm việc đánh dấu điểm số, thu thập dữ liệu và lập kế hoạch bài học của giáo viên.
Tuy nhiên, bà Angela Rayner, Bộ trưởng DfE tương lai (được chỉ định trong nội các dự kiến của Công đảng đối lập) cho biết, nhiều năm cắt giảm chi phí cho GD khiến giáo viên bị thiệt hại hàng nghìn bảng mỗi năm. Trên khắp các trường học trên cả nước, Công đảng cho rằng đang thể hiện một kết quả của cuộc khủng hoảng trong tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Mục tiêu tuyển dụng giáo viên đã bị bỏ lỡ vài năm qua, với nhiều giáo viên rời khỏi nghề hơn. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, chính phủ chỉ có một biện pháp là liên tục cắt giảm thu nhập của giáo viên.
Gánh nặng dồn về nhà trường
Công đảng đưa ra cam kết chấm dứt việc thắt chặt ngân sách đối với GD, đặc biệt là lương, thông qua nguồn vốn bổ sung, có giới hạn cụ thể, nếu thay đảng Bảo thủ cầm quyền. Đây là thuận lợi lớn cho đảng đối lập, khi các nhà lãnh đạo trường học bày tỏ sự tức giận bởi một đề nghị vào tuần trước rằng họ sẽ phải chi trả cho việc tăng lương trong năm nay, lấy từ ngân sách hiện tại mà không cần sự trợ giúp từ chính phủ. DfE cảnh báo: Lương giáo viên trong năm 2019 chỉ tăng 2%, phù hợp với lạm phát dự báo, có giá cả phải chăng trong tổng kinh phí dành cho các trường học trong giai đoạn 2019 đến 2020, mà không gây thêm áp lực cho ngân sách của trường cũng như ngân sách quốc gia; trong khi đòi hỏi của các tổ chức công đoàn giáo viên cho mức tăng này là 5%.
Một phát ngôn viên của DfE cho biết: Mùa hè năm 2018 đã chứng kiến mức tăng lương giáo viên lớn nhất trong gần 10 năm, trị giá từ 800 đến 1.366 bảng cho giáo viên đứng lớp và được hỗ trợ bởi khoản trợ cấp 508 triệu bảng của chính phủ. Ngoài mức lương hàng năm, nhiều giáo viên cũng nhận được các khoản tăng từ các chương trình thu hút và phụ cấp trách nhiệm.
Theo giaoducthoidai