Anh sẽ chuyển giao một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia trong nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
AUKUS sẽ giúp tăng cường năng lực tàu ngầm của Australia (Ảnh: Australia Royal Navy).
Dailymail ngày 22/7 đưa tin, người đứng đầu lực lượng vũ trang Anh, Tony Radakin, dự kiến sẽ ký thỏa thuận về việc chuyển giao hạm đội tàu ngầm hạt nhân tại một hội nghị hải quân ở Sydney, Australia vào tuần tới, qua đó hoàn thành cam kết của London trong khuôn khổ liên minh an ninh AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ.
Các tàu ngầm này sẽ được đóng tại thành phố Perth ở bờ biển phía tây của Australia cho đến năm 2024 nhằm thực hiện các hoạt động tuần tra.
Hải quân Hoàng gia Anh từ chối tiết lộ số lượng tàu ngầm được điều động đến Australia, đồng thời tuyên bố tất cả hoạt động liên quan đến hạm đội tàu ngầm của Anh đều được bảo mật.
Ngày 15/9/2021, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa 3 nước lấy tên là AUKUS. Trong thỏa thuận này, Australia sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai, với ít nhất 8 tàu ngầm dự kiến được chuyển giao.
Các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm được cấp năng lượng bằng lò phản ứng hạt nhân.
Tuy nhiên, AUKUS cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp khi Australia sẽ hủy thỏa thuận mua các tàu ngầm của Paris trị giá hàng tỷ USD. Pháp cũng cho rằng, việc Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm đã "đi ngược lại tinh thần của sự hợp tác giữa 2 bên".
Giới quan sát nhận định, AUKUS được cho là nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi nhậm chức đã coi việc đối phó Trung Quốc là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng có dấu hiệu leo thang.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, AUKUS sẽ được xem là bằng chứng cho thấy ông Biden tiếp tục sẵn lòng đồng hành với các đồng minh nhằm duy trì trật tự tuân thủ theo quy tắc ở châu Á.
Nga và Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về những thách thức an ninh trong khu vực do việc thành lập AUKUS, cho rằng động thái này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận AUKUS. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo, thỏa thuận sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang và phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Mỹ cũng phản ứng với thông tin về AUKUS khi kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận này "rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ". Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho rằng các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".
Theo Sputnik
Nguồn: Báo điện tử Dân trí