Anh có thể tịch thu tài sản Nga để trao cho Ukraine

Anh muốn "nối gót" Canada, tịch thu tài sản của người Nga ở Anh để trao cho Ukraine nhằm khắc phục hậu quả xung đột.

1 Anh Co The Tich Thu Tai San Nga De Trao Cho Ukraine

Tòa nhà bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine (Ảnh: Getty).

"Tôi ủng hộ ý tưởng này. Chúng tôi đang xem xét rất chặt chẽ. Canada cũng vừa thông qua luật (tịch thu tài sản). Đây là vấn đề mà chúng tôi đang làm việc cùng với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, nhưng tôi chắc chắn đồng ý với ý tưởng này", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với các thành viên quốc hội vào tuần trước.

Canada hồi tháng 4 thông báo sẽ thay đổi luật trừng phạt, cho phép phân phối lại các tài sản nước ngoài bị tịch thu và bị xử phạt để bồi thường cho các nạn nhân hoặc giúp tái thiết quốc gia bị ảnh hưởng do chiến sự.

Ngoại trưởng Truss cho rằng việc chính phủ Anh thu giữ tài sản bị đóng băng của Nga "nhiều khả năng" cần thông qua một số luật nhất định, nhưng không bắt buộc phải như vậy. Nhà ngoại giao Anh ủng hộ việc chuyển số tài sản này cho những người Ukraine bị ảnh hưởng do chiến dịch quân sự của Nga.

Hồi tháng 3, Mỹ đã công bố thành lập đặc nhiệm REPO nhằm thực thi các lệnh trừng phạt với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Có nhiều nước đã tham gia REPO như Australia, Canada, Đức, Italy, Pháp, Nhật Bản, Anh và Ủy ban châu Âu.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/6 thông báo, lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia REPO đã phong tỏa 30 tỷ USD tiền thuộc về các cá nhân Nga trong danh sách trừng phạt, trong khi 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang bị đóng băng.

Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 5 đã đề xuất một kế hoạch nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết Ukraine hậu chiến sự. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng động thái nói trên có thể sẽ không hợp pháp và có thể tác động tiêu cực tới uy tín của Mỹ, quốc gia được xem là nơi giữ tài sản an toàn nhất thế giới.

Chi phí để tái thiết Ukraine được cho là sẽ rất lớn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng ước tính, nước này có thể tốn 600 tỷ USD cho việc tái thiết sau xung đột. Điều này có nghĩa là dù bị tịch thu toàn bộ, tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài cũng chỉ đủ trả một nửa chi phí tái thiết.

Ukraine nhiều lần thừa nhận đang gặp khó khăn về kinh tế vì tình hình chiến sự với Nga trong gần 3 tháng qua. Đại diện Ngân hàng Thế giới ước tính, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến Ukraine thiệt hại hơn 60 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Kinh tế của Ukraine dự kiến có thể sẽ sụt giảm 35% trong năm nay.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tranh luận về việc có nên tham gia nỗ lực tịch thu tài sản, bao gồm cả đồng USD và EUR mà Moscow đã gửi trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hay không. Chỉ một phần nhỏ của quỹ được giữ ở Mỹ, phần lớn trong số đó được gửi ở châu Âu, bao gồm Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ở Thụy Sĩ.

Theo Sputnik

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan