Anh đặt mục tiêu trục xuất hơn 14.000 người nhập cư trái phép

Anh sẽ tiến hành các cuộc trấn áp quy mô lớn và trục xuất hơn 14.000 người tị nạn trong 6 tháng tới, nhằm giải quyết những lo ngại của người dân về vấn đề nhập cư.

1 Anh Dat Muc Tieu Truc Xuat Hon 14000 Nguoi Nhap Cu Trai Phep

Một chiếc thuyền chở người nhập cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche ngày 4-8-2022 - Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 21-8, Bộ Nội vụ Anh thông báo sẽ tuyển dụng 100 sĩ quan tình báo tại Cơ quan Tội phạm quốc gia, nhằm hỗ trợ triệt phá các tổ chức tội phạm vận chuyển người tị nạn qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tăng cường giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp, cũng như trấn áp các công ty thuê lao động trái phép. 

Có thể thấy chính quyền ông Keir Starmer tiếp tục phải đối mặt với vấn nạn nhập cư, một vấn đề từng gây khó khăn cho Chính phủ Đảng Bảo thủ dưới thời cựu Thủ tướng Rishi Sunak.

Trong tuyên bố của Bộ Nội vụ, các biện pháp trên là một phần trong kế hoạch 6 tháng tới của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Yvette Cooper, nhằm tăng tỉ lệ trục xuất lên mức cao nhất kể từ năm 2018, với mục tiêu hơn 14.389 người.

“Bằng cách tăng cường trấn áp và trục xuất, chính phủ sẽ nỗ lực kiểm soát và quản lý tình hình tốt hơn, thay thế tình trạng hỗn loạn đã tồn tại quá lâu”, ông Cooper nhấn mạnh.

Trong tuần qua, nước Anh ghi nhận 827 người vượt eo biển Manche đến Anh. Tuy nhiên Công Đảng cho biết số lượng người vượt biên đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chính quyền ông Keir Starmer đã thực hiện 9 chuyến bay đưa người hồi hương trong 6 tuần qua.

Nhập cư là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn trong cuộc bầu cử Anh hồi tháng 7 vừa qua, với chiến thắng áp đảo thuộc về Công Đảng của Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Keir Starmer cam kết sẽ giải quyết các băng nhóm tội phạm tổ chức các chuyến vượt biên trái phép cho người tị nạn, đồng thời hủy bỏ kế hoạch đưa người nhập cư đến Rwanda của cựu Thủ tướng Rishi Sunak.

Không chỉ vậy, xứ sở sương mù vừa trải qua bạo loạn hồi đầu tháng 8, sau khi mạng xã hội của quốc gia này lan truyền thông tin sai lệch, cho rằng nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao khiến 3 bé gái thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại lớp dạy khiêu vũ ở thị trấn Southport là "người nhập cư Hồi giáo cực đoan".

Kể từ đó, các cuộc bạo loạn với sự tham gia của hàng trăm người biểu tình phản đối nhập cư đã nổ ra tại nhiều thị trấn và thành phố trên khắp nước Anh.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan