Các công ty có lợi nhuận và đạt doanh thu toàn cầu ít nhất 500 triệu Bảng sẽ phải đóng thuế 2% tổng doanh thu khai thác từ thị trường Anh. Bộ Tài chính Anh đã công bố kế hoạch ngân sách mùa Thu. Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Tài chính nước này là kế hoạch điều chỉnh thuế với nhóm các công ty công nghệ lớn hay thuế đánh vào dịch vụ số.
Các công ty có lợi nhuận và đạt doanh thu toàn cầu ít nhất 500 triệu Bảng sẽ phải đóng thuế 2% tổng doanh thu khai thác từ thị trường Anh.
Bộ Tài chính Anh đã công bố kế hoạch ngân sách mùa Thu. Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Tài chính nước này là kế hoạch điều chỉnh thuế với nhóm các công ty công nghệ lớn hay thuế đánh vào dịch vụ số.
Đây được xem là động thái nổi bật của Chính phủ Anh trong việc tìm giải pháp trước mắt cho lỗ hổng thất thu thuế từ nhóm doanh nghiệp công nghệ hoạt động toàn cầu nhưng quy mô đóng thuế tại từng quốc gia chưa cân xứng. Vẫn có không ít quan điểm trái chiều xung quanh ý kiến này.
Thời báo tài chính Financial Times có loạt bài phân tích khá kỹ về kế hoạch thuế mới của Bộ Tài chính Anh. Một biểu thuế có tên Thuế dịch vụ số sẽ được nước này giới thiệu trước năm 2020. Các doanh nghiệp công nghệ hoạt động kinh doanh dịch vụ công cụ tìm kiếm, nền tảng mạng xã hội, hay nền tảng thương mại điện tử, sẽ phải đóng thêm 2% thuế cho phần doanh thu khai thác được từ thị trường Vương quốc Anh. Quy định chỉ áp dụng với các công ty có lợi nhuận và đạt doanh thu toàn cầu ít nhất 500 triệu Bảng.
Với điều chỉnh này, ước tính đến tài khóa 2022 – 2023, ngân sách Anh mỗi năm sẽ có thêm 400 triệu Bảng. Kế hoạch này được cho là nhắm trực tiếp vào các đại gia công nghệ Mỹ như Facebook, Google, Ebay hay Amazon, đảm bảo các doanh nghiệp này phải đóng thuế công bằng, tương xứng với mức lợi nhuận của mình.
Trong một nhan đề khác, Financial Times trích dẫn các quan điểm ủng hộ từ một bộ phận doanh nghiệp và chính trị gia Anh với kế hoạch này của Bộ Tài chính, đặc biệt sau hàng loạt các tranh cãi cho rằng nhóm các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đang đóng thuế quá thấp, tạo nên cạnh tranh thiếu công bằng và gián tiếp là một phần nguyên nhân cho những khủng hoảng của ngành bán lẻ truyền thống tại Anh, với hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đã và sẽ tiếp tục đóng cửa như hiện nay.
Một số liệu thường được lấy ra làm ví dụ điển hình về vấn đề thuế hiện nay của các đại gia công nghệ là việc Facebook chỉ phải đóng vào ngân khố Anh 7,4 triệu Bảng trong năm 2017, con số mà cả chính trị gia và dư luận đều cho rằng thấp đến mức khó chấp nhận.
Tuy nhiên, không ít quan điểm cho rằng cách tiếp cận cứng rắn này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển nền kinh tế số của nước Anh khi ngày càng nhiều hoạt động kinh doanh có dựa trên công nghệ. Thậm chí, không loại trừ khả năng các cơ quan của Uỷ ban châu Âu có thể vào cuộc can thiệp nếu hành động áp thuế này bị các doanh nghiệp cáo buộc là có xu hướng bảo hộ.
Anh không phải nước đầu tiên có ý tưởng áp thuế công bằng hơn với các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Một dự thảo đề xuất áp thuế dịch vụ số ở mức 3% cũng được chính phủ Tây Ban Nha giới thiệu cũng trong tháng 10 vừa qua và dự kiến áp dụng từ năm 2019 nếu được thông qua.
Động thái đề xuất áp thuế với các tập đoàn công nghệ Mỹ của Anh hay Tây Ban Nha được xem là các nỗ lực đơn lẻ trong lúc chưa xây dựng được một hệ thống khung thuế mang tính quốc tế, áp dụng với nhóm doanh nghiệp công nghệ lớn hoạt động toàn cầu.
Bộ Tài chính Anh cho biết nước này vẫn cam kết theo đuổi các thảo luận trong G20 và OECD về cải cách xây dựng một khung thuế quốc tế với nhóm doanh nghiệp công nghệ. Kế hoạch đánh thuế vừa đề xuất sẽ áp dụng cho đến khi một giải pháp thay thế mang phạm vi đa quốc gia được xây dựng.
Nguồn: https://vtv.vn