Anh, Đức ngăn chặn tấn công bằng dao

Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới xảy ra các vụ tấn công bằng dao gây thương vong nghiêm trọng, một số nước châu Âu như Anh và Đức đã có những động thái đối phó.

1 Anh Duc Ngan Chan Tan Cong Bang Dao

Hơn 7.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho lễ hội đường phố Notting Hill Carnival, London - nơi đã xảy ra loạt vụ đâm dao ngày 25-8 - Ảnh: Sky News

Anh là một trong những nước tiên phong tại châu Âu cấm các loại dao có tính sát thương cao nơi công cộng. Theo đó, nước này sẽ chính thức cấm mã tấu, dao zombie, kiếm samurai và dao găm từ ngày 24-9, theo trang thông tin của Chính phủ Anh.

Những động thái đầu tiên chống tấn công bằng dao

Từ ngày 26-8 đến 23-9, Chính phủ Anh kêu gọi những ai đang sở hữu các loại dao vũ khí nói trên đến giao nộp chúng tại sở cảnh sát trên toàn nước Anh và Xứ Wales. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ với hội đồng thành phố hoặc các tổ chức từ thiện chống tội phạm dùng dao để tìm hiểu về những phương án xử lý khác.

Ngày 25-8, một ngày trước khi bắt đầu chiến dịch thu gom vũ khí nói trên, cảnh sát Anh cho biết đã xảy ra ba vụ đâm dao tại lễ hội đường phố Notting Hill Carnival ở thủ đô London, khiến ba người phải nhập viện và 15 cảnh sát bị tấn công.

"Điều quan trọng là mọi người cần hợp tác và giao nộp những vũ khí này một cách an toàn. Chúng tôi đang trao cho người dân cơ hội để hành động đúng đắn, nhằm giúp đường phố an toàn hơn và ngăn chặn các vụ ẩu đả dẫn đến thương vong", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Diana Johnson nói.

Chiến dịch trên là bước đầu tiên trong các nỗ lực của Anh nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm một nửa số tội phạm dùng dao trong 10 năm tới.

Luật cấm có hiệu lực từ ngày 24-9 là bước tiếp theo, bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn trong việc mua bán dao trực tuyến, cũng như ngăn chặn người trẻ bị lôi kéo vào các nhóm tội phạm. Sau ngày 24-9, bất cứ ai bị phát hiện mang theo các loại dao kể trên đều phải ngồi tù.

Cùng với Anh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 26-8 cũng tuyên bố Berlin sẽ nhanh chóng sửa đổi các quy định về kiểm soát vũ khí sau vụ việc một kẻ dùng dao sát hại ba người tại một lễ hội ở thành phố Solingen hôm 23-8. Ông khẳng định: "Chúng ta phải thắt chặt các quy định về sở hữu vũ khí, đặc biệt là việc sử dụng dao".

Trước đó, Đài DW (Đức) ngày 24-8 đưa tin bà Nancy Faeser, bộ trưởng Nội vụ Đức, đã đề xuất sửa đổi luật, chỉ cho phép người dân mang theo dao có chiều dài tối đa 6cm, giảm một nửa so với quy định hiện hành là 12cm ra đường, ngoại trừ các dao gia dụng được bọc trong bao bì kín khi mua.

"Chúng tôi muốn ban hành lệnh cấm đối với các loại dao nguy hiểm nói chung và sẽ sớm trình các sửa đổi có liên quan đến luật vũ khí", bà Faeser nhấn mạnh. Bà cũng nêu rõ sự cần thiết phải hành động ngay lập tức vì những hành vi tấn công bằng dao có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Tranh luận về tính hiệu quả

Từ lâu, 16 tiểu bang của Đức đã kêu gọi chính phủ liên bang ban hành các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với sự gia tăng các vụ tấn công bằng dao.

Tuy nhiên trước các đề xuất về thay đổi luật vũ khí, nhà tội phạm học người Đức Dirk Baier cho rằng dù luật pháp nghiêm minh hơn cũng khó loại bỏ hoàn toàn các vụ tấn công bằng dao.

Chia sẻ với Đài truyền hình MDR (Đức), ông Baier nói điều này sẽ không đủ răn đe với tội phạm. Thay vì vậy, cơ quan chức năng nên tập trung và hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục giới trẻ về mức độ nguy hiểm của các vụ đâm chém, đồng thời cần để người trẻ nhận thấy việc mang dao bên người đôi khi có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân họ.

Do đó, ông Baier khẳng định đây là vấn đề xã hội và không thể chỉ giải quyết bằng pháp luật. Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi: Liệu nguồn lực của chính phủ có đủ để triển khai các đợt kiểm tra và rà soát trên diện rộng hay không?

Cùng quan điểm với ông Baier, ông Lars Wendland, chủ tịch Công đoàn cảnh sát Đức, dù hoan nghênh đề xuất của Bộ trưởng Faeser, nhưng cũng cho rằng chỉ những thay đổi pháp lý là chưa đủ để cảnh sát thực thi hiệu quả.

Ông nêu vấn đề: "Chúng ta phải xem xét liệu chính phủ có đủ nhân sự và nguồn lực để thực thi luật hay không".

Lại xảy ra tấn công bằng dao, cảnh sát Đức bắn hạ nghi can

Cảnh sát Đức ngày 27-8 cho biết lực lượng an ninh đã bắn hạ một người đàn ông bị tình nghi tấn công người qua đường bằng dao ở thị trấn Moers, phía tây nước này.

Theo TTXVN, các dịch vụ khẩn cấp gọi cho cảnh sát lúc 14h45 giờ địa phương (tức 7h45 giờ Việt Nam) thông báo một người đàn ông đã tấn công và đe dọa một số người qua đường trong thị trấn. Sau khi bị phát hiện, nghi phạm người Đức 26 tuổi đã tấn công cảnh sát bằng 2 con dao, buộc lực lượng chức năng phải nổ súng bắn hạ.

Đây là vụ tấn công bằng dao thứ hai tại Đức chỉ trong vòng 5 ngày. Tối 23-8, nước Đức chấn động vì vụ tấn công bằng dao xảy ra tại thành phố Solingen, nơi hàng nghìn người tụ tập tham gia các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ "Lễ hội Đa bản sắc" kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố này.

Theo cảnh sát, tất cả nạn nhân đều bị đâm ở cổ. Trong số người bị thương có 4 người trong tình trạng nguy kịch. Nghi phạm là người Syria, 26 tuổi, đã tự thú vào cuối ngày 24-8 và thừa nhận tiến hành vụ đâm dao. Người này bị tình nghi là thành viên của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Vụ việc đã gây chấn động cả nước và làm dấy lên cuộc tranh luận mới về vấn đề nhập cư trước thềm cuộc bầu cử khu vực quan trọng vào cuối tuần tới. Nhà chức trách trước đó đã có kế hoạch trục xuất nghi phạm về Bulgaria hồi năm ngoái, nhưng không thực hiện được vì đối tượng này lúc đó không có mặt tại nơi ở trong trại tị nạn.

Dự luật cấm dao lưỡi dài ở Việt Nam

Ngày 29-6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Khoản 4 điều 2 luật này quy định rõ dao găm, kiếm, mã tấu nằm trong nhóm vũ khí thô sơ thuộc danh mục do bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Tiếp đó, khoản 2 điều 4 quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng vũ khí.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan