Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông hi vọng Anh sẽ trở lại bình thường trước Giáng sinh, nhưng cũng sẵn sàng nếu xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu gặp mặt trực tiếp để bàn kế hoạch giải cứu kinh tế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đeo khẩu trang trong một hoạt động ở London ngày 13-7 - Ảnh: REUTERS
"Tôi có hi vọng mãnh liệt và chân thành rằng chúng tôi có thể xem xét cho phép trở lại bình thường sớm nhất là từ tháng 11, có thể kịp Giáng sinh", Hãng tin Reuters ngày 17-7 dẫn lời Thủ tướng Johnson nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kỳ vọng này phải đi kèm với điều kiện kiểm soát được tỉ lệ lây nhiễm, chi thêm cho y tế và trao quyền cho chính quyền địa phương phong tỏa các điểm dịch. "Chúng tôi đang cố gắng sẵn sàng cho cho mùa đông và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nếu nó xảy ra...", ông nói thêm.
Thủ tướng Anh cho biết kể từ tháng 8-2020, ông sẽ bỏ khuyến cáo làm việc tại nhà và cho phép các chủ lao động xem xét mức độ an toàn để tự quyết định việc cho nhân viên trở lại làm việc. Anh cũng dự kiến chi thêm 3,76 tỉ USD cho hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm, thiết bị phòng hộ…
Tại châu Âu, các lãnh đạo khu vực bắt đầu gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên trong hơn 5 tháng qua để thảo luận về gói kích thích kinh tế hậu dịch COVID-19 trị giá hơn 855 tỉ USD và một khoản ngân sách hơn 1.000 tỉ USD cho 7 năm tiếp theo.
"Khác biệt vẫn rất lớn và tôi không thể dự đoán liệu chúng tôi có thể đạt được kết quả lần này hay không. Theo tôi, các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn", Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận.
Tại Tây Ban Nha, người dân Barcelona được yêu cầu ở nhà và không tụ tập quá 10 người kể từ 17-7 để ngăn đà lây lan COVID-19 đang tăng trở lại. Thành phố đông dân thứ hai của Tây Ban Nha này cũng đóng cửa các rạp phim, nhà hát…
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một phụ nữ ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 17-7 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó tại châu Á, Ấn Độ ngày 17-7 đã gia nhập câu lạc bộ triệu ca mắc COVID-19 cùng với Mỹ và Brazil.
Quốc gia tỉ dân này có thêm hơn 34.900 ca bệnh mới trong 24 giờ qua sau khi nhiều địa phương đã buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa trong tuần qua. Mới nhất, bang Bihar với hơn 128 triệu dân ngày 16-7 đã tuyên bố phong tỏa.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online